Nam Phi lún sâu vào bế tắc chính trị sau quyết định về Tổng thống Zuma

Việc đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền lặp lại yêu cầu Tổng thống Jacob Zuma phải đưa ra quyết định từ chức đã khiến Nam Phi tiếp tục lún sâu vào bế tắc chính trị.
Nam Phi lún sâu vào bế tắc chính trị sau quyết định về Tổng thống Zuma ảnh 1Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tới dự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) ở Addis Ababa, Ethiopia ngày 29/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nam Phi tiếp tục lún sâu vào bế tắc chính trị khi đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền lặp lại yêu cầu Tổng thống Jacob Zuma phải đưa ra quyết định từ chức, đáp lại nhà lãnh đạo 75 tuổi này quả quyết rằng ông "không cần phải đi đâu."

Trong cuộc họp báo diễn ra hồi 19h ngày 13/2 (theo giờ Việt Nam), ANC khẳng định đã yêu cầu ông Zuma từ chức, nhưng không đặt ra thời hạn chót cho việc này. Trước đó, sau cuộc họp kéo dài 13 giờ tại một khách sạn bên ngoài thủ đô Pretoria, Ủy ban Điều hành Quốc gia (NEC) gồm 107 thành viên đầy quyền lực của ANC đã quyết định yêu cầu ông Zuma rút lui khỏi chức vụ tổng thống để có thể khép lại những tranh cãi kéo suốt hai tuần qua liên quan đến tương lai của ông này.

Chủ tịch ANC Cyril Ramaphosa thậm chí có thời điểm đã phải rời phòng họp để tới gặp trực tiếp ông Zuma tại dinh thự riêng của ông Zuma ở Pretoria. Sau cuộc gặp trực tiếp này, ông Ramaphosa quay trở lại cuộc họp vào nửa đêm 12/2 và 3 giờ sau đó, cuộc họp đã kết thúc. Tổng thư ký ANC Ace Magashule cũng đã có cuộc gặp riêng nhằm thuyết phục ông Zuma.

[Nam Phi: Biểu tình rầm rộ ủng hộ đương kim Tổng thống Jacob Zuma]

Dù đây chỉ là "mệnh lệnh" của ANC và ông Zuna không có nghĩa vụ phải tuân theo nhưng nếu ông Zuma vẫn từ chối không chấp nhận từ chức, ông sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội trong vài ngày tới. Lần này, ông Zuma rất khó có thể lật lại "thế cờ" như cách đây 6 tháng. Khi đó, Quốc hội Nam Phi cũng đã bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Zuma bằng hình thức bỏ phiếu kín. Và với 198 phiếu thuận, 177 phiếu chống và 9 phiếu trắng, ông Jacob Zuma đã "thoát hiểm" một cách đầy bất ngờ.

Những bế tắc liên quan đến tương lai của ông Zuma đang đầy Nam Phi vào cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng khi nhiều người đặt câu hỏi ai thực sự là người lãnh đạo đất nước. Trước sức ép của dư luận, từ tháng 12 năm ngoái, ông Zuma đã phải trao lại chức Chủ tich ANC cho ông Ramaphosa. Tình hình càng phức tạp khi Quốc hội Nam Phi hoãn lễ trình bày Thông điệp quốc gia năm 2018 của ông Zuma hồi tuần trước - một bước đi được coi là để chờ đợi nhà lãnh đạo mới.

Ông Zuma lên lãnh đạo ANC từ năm 2007 và làm Tổng thống Nam Phi từ năm 2009. Nhiệm kỳ của ông sẽ chính thức kết thúc vào giữa năm 2019 nhưng sức ép buộc ông phải từ chức gia tăng trong vài tuần qua. Chín năm cầm quyền của vị tổng thống 75 tuổi gặp nhiều thách thức khi nền kinh tế bị suy giảm và bản thân ông Zuma cũng đối mặt với nhiều cáo buộc tham nhũng, gây tổn hại đến hình ảnh của ANC, chính đảng từng dẫn dắt người Nam Phi thoát khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Aparthied.

Các đảng phái đối lập, nhất là đảng Liên minh Dân chủ (DA) đã chỉ trích về nạn tham nhũng tràn lan, sự yếu kém trong khả năng điều hành và quản lý đất nước của ông Zuma khiến cho nền kinh tế lớn nhất châu Phi rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Việc ông Zuma quyết định chọn người vợ cũ là bà Nkosazana Dlamini-Zuma là người kế nhiệm đã vấp phải phản ứng mạnh trong nội bộ ANC và người dân Nam Phi. Dù giành chiến thắng trước bà Dlamini-Zuma trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch ANC hồi cuối năm 2017, nhưng ông Ramaphosa rất thận trọng khi đưa ra quyết định với ông Zuma bởi ông không muốn làm "bẽ mặt" ông Zuma, cũng như khắc sâu sự chia rẽ trong nội bộ ANC khi mà cuộc tổng tuyển cử chỉ còn khoảng 1 năm nữa sẽ diễn ra.

Dưới thời lãnh đạo của ông Zuma, ANC đang mất dần sự ủng hộ và chỉ giành được khoảng 54% số phiếu bầu trong các cuộc bầu cử địa phương hồi năm 2016. Đây là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ khi ANC dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nelson Mandela lên nắm quyền vào năm 1994.

Việc ANC đòi ông Zuma từ chức diễn ra đúng vào dịp đảng này vừa bắt đầu chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của cố lãnh tụ Nelson Mandela và Chủ tịch ANC Ramaphosa cam kết sẽ khôi phục uy tín của đảng trước cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.

Việc phế truất ông Zuma, một thành viên kỳ cựu của phong trào đấu tranh chống chế độ Apartheid trước đây và từng có 10 năm ngồi tù cùng ông Mandela tại nhà tù trên Đảo Robben, sẽ khép lại sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại khu vực miền Nam châu Phi. Hồi tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Jose Eduardo dos Santos đã phải từ chức sau 38 năm lãnh đạo đất nước Angola. Ba tháng sau đó, nhà lãnh đạo kỳ cựu 93 tuổi Robert Mugabe cũng phải chấp nhận từ chức sau khi quân đội nước này tiến hành cuộc binh biến./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục