Nam Phi lập ủy ban điều tra tham nhũng trong công tác ứng phó dịch

Cơ quan chức năng Nam Phi tiếp nhận nhiều báo cáo về khả năng có sự thông đồng để "nâng" giá hợp đồng mua bán cung cấp thiết bị y tế cũng như cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Pretoria, Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã thành lập ủy ban điều tra về các hành vi tham nhũng trong quá trình mua bán vật tư và thiết bị phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Quyết định của Tổng thống Ramaphosa được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng Nam Phi tiếp nhận nhiều báo cáo về khả năng có sự thông đồng để "nâng" giá hợp đồng mua bán giữa các quan chức chính phủ và các nhà thầu cung cấp thiết bị y tế cũng như cung cấp suất ăn miễn phí cho người nghèo.

Trước đó, Tổng thống Nam Phi ngày 5/8 đã cảnh báo sẽ trừng trị nghiêm khắc các quan chức tham nhũng và doanh nhân làm giàu bất chính trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt đối với những trường hợp quan chức tạo điều kiện cho người thân tham gia vào các gói thầu của chính phủ.

[WHO cảnh báo nguy cơ Nam Phi "suy kiệt khả năng ứng phó" do COVID-19]

Tổng thống Nam Phi khẳng định rất khó chấp nhận hành vi nâng giá khẩu trang phẫu thuật lên tới 900%, đồng thời lên án các hành vi tham nhũng của nhiều quan chức chính quyền địa phương như biển thủ những gói thực phẩm khẩn cấp dành cho người nghèo, hay chiếm đoạt những thùng lớn trữ nước hỗ trợ cộng đồng đang gặp khó khăn.

Hãng thông tấn Chính phủ Nam Phi ngày 4/8 cho biết Chủ tịch Quốc hội Thandi Modise đang xem xét các yêu cầu của 2 đảng đối lập lớn nhất là Liên minh Dân chủ (DA) và Các Chiến sỹ vì tự do kinh tế (EFF) đề nghị Quốc hội giải quyết các cáo buộc tham nhũng liên quan nguồn lực phòng chống COVID-19.

Hai đảng này đã đưa ra một số yêu cầu như Tổng thống Ramaphosa phải trả lời trước Quốc hội về biện pháp xử lý các hành vi tham nhũng, cũng như cần thành lập ủy ban đặc biệt để điều tra các cáo buộc tham nhũng trong mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), phân phối thực phẩm cứu trợ và các nguồn lực khác dành cho phòng chống COVID-19.

Tính đến ngày 6/8, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 529.877 ca mắc COVID-19 trong đó có 9.298 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi là 377.266 người, chiếm 71% tổng số ca mắc COVID-19.

Cùng ngày, Hiệp hội bóng đá Qatar (QFA) thông báo đã phạt huấn luyện viên Xavi Hernandez, cùng một số cầu thủ và các nhân viên khác mỗi người 2.700 USD vì đã vi phạm quy định phòng dịch.

Tháng trước, Xavi Hernandez, HLV câu lạc bộ Al-Sadd, thông báo đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

Đến ngày 29/7, cựu ngôi sao Barcelona này tuyên bố đã bình phục và quay lại làm việc. Thông báo của QFA nêu rõ nguyên nhân Xavi bị phạt cùng với cảnh cáo chính thức, là do đã không tuân thủ quy định an toàn của Bộ Y tế, trong đó có việc vi phạm cam kết cách ly tại nhà.

Sau khi phải tạm ngừng các trận đấu để ngăn dịch lây lan vào tháng 3 vừa qua, ban tổ chức giải vô địch quốc gia Qatar Stars League thông báo nối lại vào ngày 24/7 với việc áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt, xét nghiệm định kỳ cho cầu thủ và nhân viên.

Giám đốc cạnh tranh của QSL Ahmed Abbassi nêu rõ toàn bộ các cầu thủ và ban huấn luyện đều phải ký cam kết cách ly tại nhà, do đây là biện pháp quan trọng để ngăn virus lây lan.

Kể từ khi dịch bùng phát, Qatar đã ghi nhận tổng cộng 112.092 ca nhiễm. Ước tính hơn 4% trong tổng dân số 2,75 triệu người của Qatar đã bị nhiễm virus, khiến quốc gia vùng Vịnh này thành một trong số những nước có tỷ lệ nhiễm cao nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, với 178 ca tử vong và 108.831 bệnh nhân phục hồi, Qatar cũng là một trong những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất trên thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục