Năm quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - gồm Indonesia, Argentina, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi - đã nhất trí hợp tác thành lập một trung tâm nghiên cứu và sản xuất vaccine nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai.
Ngày 22/8, phát biểu tại cuộc họp báo về cuộc họp lần thứ 3 Nhóm công tác y tế (HWG) của G20, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin nhấn mạnh: “Để sẵn sàng ứng phó với đại dịch tiếp theo và các mối đe dọa y tế toàn cầu, mọi quốc gia cần tiếp cận và có năng lực phát triển vaccine, các liệu pháp và chẩn đoán (VTD)."
Chương trình hợp tác này nhằm thúc đẩy các trung tâm sản xuất trang thiết bị y tế cũng như phát triển một trung tâm nghiên cứu toàn cầu.
Sáng kiến, trong đó tập trung vào việc xây dựng năng lực nghiên cứu và sản xuất y tế ở các nước có thu nhập trung bình, sẽ được triển khai với sự tham gia của tất cả các nước thành viên G20 và các tổ chức quốc tế.
Bộ trưởng Budi cho biết chương trình hợp tác này bắt nguồn từ sự khác biệt về năng lực xử lý đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều nền tảng vaccine đã được phát triển như vaccine mRNA, vaccine vector virus, vaccine tiểu đơn vị protein, và vaccine bất hoạt. Do đó, cần chuyển giao công nghệ và kiến thức giữa các nước G20 nhằm cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu thông qua việc phát triển các trung tâm sản xuất dược phẩm.
Cũng tại họp báo, Bộ trưởng Budi cho hay cuộc họp HWG lần thứ 3 đã thảo luận về việc mở rộng các trung tâm sản xuất vaccine, thuốc và chẩn đoán toàn cầu ở các nước có thu nhập trung bình thấp, cũng như củng cố mạng lưới các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Cuộc họp cũng tìm cách thúc đẩy việc tiếp cận vaccine một cách công bằng thông qua tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, cũng như tăng cường hợp tác giữa các chính phủ, khu vực công và khu vực tư nhân.
[Indonesia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 nội]
Bộ trưởng Budi cho biết thêm hoạt động sản xuất vaccine hiện đều nằm trong tay các công ty tư nhân, đồng thời khẳng định rằng thách thức mà diễn đàn G20 đang phải đối mặt là phát triển và triển khai các phương pháp chẩn đoán, liệu pháp chữa trị, các sản phẩm vaccine an toàn và hiệu quả cho cộng đồng quốc tế trong vòng tối đa 100 ngày.
Theo người đứng đầu ngành y tế Indonesia, khả năng trên chỉ có thể đạt được nếu tất cả các nước, dù là nước có thu nhập cao, trung bình hay thấp, có khả năng sản xuất hoặc tiếp cận bình đẳng với vaccine, cũng như các phương pháp điều trị và chẩn đoán.
Cuối cùng, Bộ trưởng Budi tiết lộ rằng G20 đang chuẩn bị nền tảng "Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ tất cả dữ liệu về bệnh cúm" (GISAID +) nhằm đẩy nhanh việc ứng phó và thu thập dữ liệu về các mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cao./.