Trong khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, thời hạn áp thuế bổ sung vòng 4 đối với 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang tới gần.
Tuy nhiên, tương lai thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn 1" không chỉ bị ảnh hưởng bởi hai nhân tố này và sự đối chọi giữa hai bên hiện rất khó để khỏa lấp.
Trên thực tế, việc Mỹ-Trung sẽ ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" đã được đồn đoán từ lâu. Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Chile từng được nhắc đến như một sự kiện đánh dấu bước tiến trên con đường đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, cuối cùng Chile đã phải hủy bỏ việc tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vì những rối ren trong nước.
Tiếp đó, nguồn tin tiếp cận với đoàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung của trang thông tin Axios cho biết, vì ông Trump ký ban hành Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, nên không chỉ quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng mà đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng lâm vào tình trạng đình trệ.
Quả thực, phía Trung Quốc đã phản đối quyết liệt động thái nêu trên của phía Mỹ và tuyên bố trả đũa mạnh mẽ.
Các biện pháp đưa ra bao gồm việc tạm dừng xem xét các đơn xin của tàu quân sự Mỹ được phép tới Hong Kong để nghỉ ngơi và bảo dưỡng. Trung Quốc cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các tổ chức phi chính phủ (NGO) có trụ sở tại Mỹ như Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), Viện Dân chủ quốc gia về các vấn đề quốc tế, Viện Cộng hòa quốc tế...
Tuy nhiên, không ít phân tích cho rằng Mỹ-Trung vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1." Dưới tiền đề đó, tin rằng hai bên đều nỗ lực xử lý tách bạch vấn đề thương mại và nhân quyền.
Tờ nhật báo Phố Wall từng đưa tin phía Trung Quốc có thái độ cởi mở đối với việc đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1," chỉ cần phía Mỹ không thực hiện các nội dung của Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, việc đàm phán sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch.
[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Bao giờ mới đến hồi kết?]
Thứ hai là vấn đề rút bỏ các biện pháp thuế quan. Hôm 1/12, tài khoản Twitter của tờ Thời báo Hoàn Cầu đã chỉ rõ phía Trung Quốc cho rằng cam kết không thực hiện vòng áp thuế bổ sung thứ tư từ ngày 15/12 tới của phía Mỹ là chưa đủ và Bắc Kinh kiên trì yêu cầu gắn việc dỡ bỏ các biện pháp thuế quan đã áp đặt như một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn 1."
Thông tin từ các bên đều cho thấy vấn đề thuế quan là trở ngại chủ yếu nhất đối với đàm phán thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Trước đó, một số cơ quan truyền thông nước ngoài dẫn đánh giá của chuyên gia và nguồn tin tiếp cận Nhà Trắng cho biết sở dĩ Mỹ-Trung tới nay vẫn chưa đạt được thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" là do phía Trung Quốc gây sức ép, yêu cầu Washington phải giảm hơn nữa mức thuế quan đã áp đặt, nhưng phía Mỹ lại đưa ra thêm nhiều yêu cầu để đáp lại.
Trong tháng 11 vừa qua, tờ nhật báo phố Wall cũng cho biết, nội bộ Nhà Trắng đang bất đồng về việc có dỡ bỏ biện pháp thuế quan đã áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc hay không.
Theo ông Trump và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, nếu phía Mỹ đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc và đồng ý dỡ bỏ thêm nhiều biện pháp thuế quan, nhưng phía Trung Quốc vẫn không đưa ra cam kết bảo vệ bản quyền tri thức và cam kết trong vấn đề chuyển giao công nghệ Washington sẽ rơi vào tình trạng bất lợi.
Thứ ba là số lượng nông sản Mỹ được Trung Quốc mua. Ông Trump từng công khai tuyên bố Trung Quốc có thể sẽ mua hơn 50 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm.
Từ các thông tin đăng tải có thể thấy hai bên đang giằng co nhau trong vấn đề này. Phía Trung Quốc kiên trì quan điểm mua bao nhiêu phải căn cứ vào nhu cầu của thị trường trong nước chứ không thể đặt hạn ngạch cũng như thời gian biểu cụ thể.
Theo Đài CNBC, phía Trung Quốc đã từ chối mua nông sản Mỹ với số lượng cụ thể. Nguyên nhân là do Bắc Kinh lo ngại các đối tác thương mại khác sẽ rời xa họ.
Thứ tư là địa điểm ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1." Như đã nói ở trên, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn 1" từng được kỳ vọng sẽ ký kết trong thời gian diễn ra Hội nghị Cấp cao APEC ở Chile. Tuy nhiên, vì Chile hủy bỏ việc tổ chức, cho nên, kế hoạch bị thay đổi.
Ông Trump từng nêu mong muốn việc ký kết sẽ diễn ra tại bang nông nghiệp Iowa ở Mỹ. Trong khi đó, phía Trung Quốc lại thiên về phương án ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" tại một địa điểm trung lập.
Hiện nay, dư luận đang đồn đoán rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau ở Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos của Thụy Sỹ, vào tháng 1/2020 để ký thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn 1."
Thứ năm là cơ chế chấp hành. Theo trang thông tin Axios, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn đang đối diện với một số trở ngại, bao gồm cơ chế chấp hành.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng chỉ rõ nhân tố quyết định thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung các giai đoạn tiếp theo nằm ở công tác lập pháp và cơ chế chấp hành của phía Trung Quốc, nếu không thỏa thuận thương mại chỉ là "giấy lộn."
Theo một số chuyên gia phân tích, sau nhiều lần đàm phán đổ vỡ, niềm tin mà hai bên dành cho nhau hiện nay rất thấp.
Phía Mỹ cho rằng cần phải có cơ chế chấp hành thỏa thuận đủ mạnh mới có thể buộc phía Trung Quốc tuân thủ cam kết, giải quyết vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp bản quyền tri thức…
Phía Mỹ mong muốn đưa quân bài thuế quan vào cơ chế chấp hành thỏa thuận (nếu không chấp hành sẽ tăng thuế quan).
Trong khi đó, lập trường của phía Trung Quốc là thỏa thuận đạt được cần phải công bằng và mong muốn phía Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ mọi biện pháp thuế quan đã áp đặt./.