Năm nay doanh nghiệp liệu có "khóc" ở Tân Thanh?

Nhiều năm nay, tình trạng một số mặt hàng nông sản dồn về để chờ xuất sang Trung Quốc nhưng ách tắc tại Tân Thanh (Lạng Sơn) đã trở thành một bài toán nhức nhối chưa có lời giải. Năm nay sẽ không phải ngoại lệ khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch những mặt hàng này và theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không xây dựng một hệ thống bảo quản hàng hóa tốt, tìm hiểu kỹ thị trường thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ lại "nếm quả đắng".
Nhiều năm nay, tình trạng một số mặt hàng nông sản, chủ yếu là xoài, dưa hấu, chuối, thanh long dồn về để chờ xuất sang Trung Quốc nhưng ách tắc tại Tân Thanh, Lạng Sơn đã trở thành một bài toán nhức nhối chưa có lời giải.

Có vẻ như năm nay cũng không phải ngoại lệ. Chỉ còn vài tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch những mặt hàng này và theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu không xây dựng một hệ thống bảo quản hàng hóa tốt,  kết hợp với quảng bá thương hiệu trên thị trường thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ lại "nếm quả đắng".

Xuất khẩu kiểu chợ quê

Mỗi năm, từ đầu mối Tân Thanh, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt tổng kim ngạch không nhỏ, khoảng 250 triệu USD.

Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, cứ từ tháng hai đến tháng tư hằng năm, mỗi ngày có từ 400-500 xe tải và container chuyên chở hàng nông sản, đặc biệt là dưa hấu, lại phải xếp hàng dài cả mấy kilomet để chờ thông quan.

Điều đáng nói là trái cây của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua "cánh cổng" Tân Thanh chủ yếu là trái cây tươi, chưa qua chế biến, không sử dụng chất bảo quản nên sau một hành trình dài hàng nghìn kilomet dọc chiều dài đất nước, cộng thêm việc phải xếp hàng chờ thông quan, chất lượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo ông Phùng Quang Hội, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, với các qui định ngày càng chặt chẽ trong việc nhập khẩu nông sản, đặc biệt là khâu kiểm dịch, hàng hóa muốn thông quan phải được các ngành chức năng đến tận nơi thực hiện các công đoạn kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Khi lượng xe chở hàng nông sản dồn về nhiều như vậy mà mỗi ngày tối đa chỉ thực hiện kiểm hóa được khoảng hơn 200 xe, do vậy, nếu không có phương pháp bảo quản tốt thì chỉ sau 2-3 ngày là hoa quả tồn đọng bị hỏng hết.

“Thực chất việc bán hàng chỉ là những thỏa thuận bằng miệng chứ không có một hợp đồng kinh tế nào để ràng buộc về mặt pháp lý và mạnh ai người ấy làm nên khó tránh được rủi ro. Và nếu có xảy ra sự cố thì nông dân vẫn là người phải gánh chịu thiệt thòi,” ông Hội phân tích.

Trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn bán hàng theo kiểu truyền thống như vậy, kho bãi cũng là một vấn đề nhức nhối tại Tân Thanh. Tất cả hàng xuất khẩu và nhập khẩu đều tập trung vào một  khu vực trong khi các bến đỗ xe ở cửa khẩu quá hẹp, không đủ sức chứa, nên dẫn đến tình trạng xe phải xếp hàng chờ dọc đường, giao thông bị ách tắc.

Cần lắm một nhạc trưởng

Theo các cán bộ hải quan làm việc lâu năm ở Tân Thanh, tình trạng ùn ứ nông sản tái diễn nhiều năm như vậy có một nguyên nhân quan trọng là doanh nghệp thiếu thông tin về thị trường, cứ đến mùa quả chín là thu mua và chở lên Tân Thanh.

Ông Nguyễn Văn Khá, cán bộ đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Tân Thanh cho rằng để bù đắp cái thiếu cơ bản của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hiện nay là thông tin thì không thể chỉ tự thân doanh nghiệp làm được, cần phải có một hiệp hội đủ mạnh đứng ra gắn kết các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trước sức ép của các chủ hàng.

Hơn nữa, một đòi hỏi cấp bách khác là xây dựng các kho lạnh bảo quản, các bến bãi đủ khả năng tiếp nhận hàng hóa kết hợp với đóng gói hàng xuất khẩu ngay tại Tân Thanh. Có như vậy, tình trạng ách tắc hàng nông sản tại đây mới mong được cải thiện.

Về phía cơ quan chức năng, trong một cuộc họp bàn về xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng đã chỉ ra rằng qui hoạch và dự báo chính xác về vụ mùa của nước bạn là điều cần thiết để chấm dứt tình trạng ách tắc tại Tân Thanh.

Ngoài ra, cần tìm hướng xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản tại một số cửa khẩu khác, tránh tình trạng hàng hóa dồn ứ về một nơi, gây ách tắc, thiệt hại về vật chất cũng như gây tổn thất về tinh thần, sức khỏe cho người dân.

Riêng khâu sản xuất, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cũng nhấn mạnh đến vấn đề cần nghiên cứu tình hình thị trường để quy hoạch trồng trọt cho hợp lý, tránh phát triển diện tích trồng dưa tràn lan, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối tại mỗi cửa khẩu, nâng cao chất lượng bao bì, đặc biệt là việc ký hợp đồng tiêu thụ hoặc thỏa thuận tiêu thụ với khách hàng phía Trung Quốc trước khi giao hàng.

Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Tân Thanh, sau hơn ba tháng triển khai áp dụng khai báo hải quan điện tử, từ ngày 1/8/2010 đã có 35 doanh nghiệp đăng ký tham gia, giải quyết được hơn 8.900 tờ khai trong tổng số 13.351 tờ khai điện tử và giảm tải được rất nhiều hàng hóa bị ứ đọng.

Tuy nhiên, so với lượng hàng hóa chủ yếu là hàng nông sản thông quan qua đây thì con số trên còn rất nhỏ, chỉ tập trung vào những doanh nghiệp lớn. Đa phần doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa mặn mà đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực cho việc ứng dụng công nghệ này.

Do vậy, về phần doanh nghiệp cần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng khai báo hải quan điện tử để thêm một lời giải cho bài toán nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu mậu biên và góp phần nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam./.

Quảng Minh Hạnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục