Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Quán quân nhóm tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE tuần này là cái tên khá xa lạ: mã SFC của Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Mã HLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long sau 3 tuần tăng nóng đã biến mất trong bảng xếp hạng tuần này. Thay thế cho HLG, quán quân nhóm tăng giá trên sàn HoSE là cái tên khá xa lạ: mã SFC của Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn.

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 14/8 cho thấy, SFC đã có tổng cộng 3 phiên tăng giá và 2 phiên đi ngang trong tuần này.

Sau 5 phiên giao dịch, SFC có thêm tổng cộng 4.900 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 20%. Đây là tỷ lệ tăng giá khá thấp trong những tuần gần đây. Trước đó, mã đứng đầu nhóm tăng giá thường có biên độ tăng khoảng trên 30%.

Những thông tin mới nhất về tình hình kinh doanh của SFC khá tích cực. Tổng doanh thu trong 6 tháng đầu năm của SFC đạt trên 738 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế qua đó đạt gần 25,6 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này cao hơn so với con số gần 17,4 tỷ đồng của 6 tháng năm ngoái.

Cũng giống như SFC, vị trí á quân trên sàn HoSE, mã AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang có 3 phiên tăng giá tuần này.

Tuy nhiên, 2 phiên cuối tuần chìm trong sắc đỏ đã giữ chân AGM. Mã này bởi vậy chỉ có tỷ lệ tăng giá là gần 14%.

Về tình hình kinh doanh của AGM trong 6 tháng đầu năm, mặc dù có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế của đơn vị này lại giảm sút.

Cụ thể, với tổng doanh thu trên 985 tỷ đồng, AGM chỉ có mức lợi nhuận là hơn 5,2 tỷ đồng. Trong khi ấy, trong 6 tháng năm ngoái, AGM chỉ có doanh thu là gần 858 tỷ đồng nhưng có lãi xấp xỉ 6,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, nếu chỉ tính riêng trong quý 2 năm nay, lợi nhuận sau thuế của AGM đã giảm tới 71,55% so với quý 2 năm 2014. Trong công văn gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, AGM cho rằng, tình hình tiêu thụ gạo Việt Nam còn nhiều khó khăn, tỷ suất lợi nhuận ngành giảm mạnh nên mặc dù sản lượng tiêu thụ gạo trong quý 2 có tăng nhưng tỉ lệ lãi lại giảm. Con số lợi nhuận trong quý 2 của AGM vì thế chỉ đạt 1,77 tỷ đồng, giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

SKG, EVE và NAV lần lượt là những mã còn lại trong nhóm tăng giá với tỷ lệ từ 10,39%-11,71%.

Ở chiều ngược lại, nhóm năm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE tiếp tục xuất hiện mã PTK của Công ty cổ phần Luyện kim Phú Thịnh ở vị trí số 2.

Cụ thể, PTK đã có một tuần ảm đạm khi nện sàn trong 3 phiên giao dịch và nỗ lực giữ được mức giá tham chiếu trong 2 phiên còn lại. Điều này đẩy PTK từ mức giá 1.700 đồng/cổ phiếu về 1.400 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau 1 tuần, PTK vẫn chưa hề cải thiện được vị trí trên bảng xếp hạng. Trong tuần giao dịch đầu tháng Tám, PTK cũng đứng thứ 2 nhóm mất giá với mức giảm hơn 10%.

Mất giá nhiều nhất trên sàn HoSE tuần qua là mã VLF của Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Vĩnh Long. Mã này chỉ có duy nhất phiên đầu tuần giữ được mức giá tham chiếu còn lại đồng loạt nện sàn. Tỷ lệ giảm của VLF sau 5 phiên lên tới hơn 21%.

Tình hình kinh doanh theo công bố mới nhất của VLF tuần này không mấy khả quan. Doanh thu trong quý 2 của VLF chỉ đạt hơn 70 tỷ đồng, giảm sâu so với mức gần 404 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. VLF vì thế đang ghi nhận mức lỗ trong quý 2 lên tới hơn 61 tỷ đồng.

Theo giải trình của lãnh đạo VLF, nguyên nhân kết quả trên là do tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, giá bán liên tục sụt giảm. Ngoài ra, mặc dù đầu vụ Đông Xuân năm nay công ty đã mua tạm trữ được hơn 10.000 tấn gạo theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng trong quý 2/2015 cũng chỉ bán ra được hơn 6.414 tấn gạo các loại, giảm gần 84% so với quý 2 năm ngoái.

Bên sàn HNX, nhóm tăng giá mạnh nhất tuần này tiếp tục có sự góp mặt của mã CJC của Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung với vị trí thứ 4.

CJC đã có 2 phiên tăng kịch trần đầu tuần rồi đi ngang trong 3 phiên còn lại. Tuy vậy, chừng ấy cũng đủ để CJC có thêm 7.300 đồng/cổ phiếu tuần này, tương đương tỷ lệ tăng gần 21%.

Đây đã là tuần thứ 3 liên tiếp CJC xuất hiện trong top tăng giá trên sàn HNX. Trước đó, cách đây 2 tuần, CJC thậm chí còn có mức tăng lên tới 60% chỉ sau 5 phiên giao dịch.

Như thông tin trước đó, doanh thu của CJC trong quý 2 đạt khoảng hơn 105 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, lợi nhuận của CJC theo báo cáo chỉ đạt trên 350 triệu đồng, giảm so với con số gần 454 triệu đồng của quý 2 năm 2014.

Đứng vị trí đầu tiên nhóm tăng giá là mã BED của Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng.

BED đã có tổng cộng 3 phiên tăng kịch trần và 2 phiên giữ giá tham chiếu tuần này. Sau 5 phiên giao dịch, mã này đã tăng tổng cộng 5.400 đồng/cổ phiếu.

Tình hình kinh doanh của BED trong quý 2 cho thấy nhiều thông tin khả quan. Mặc dù có doanh thu giảm nhưng công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 1,1 tỷ đồng, tăng tới 64,56% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo BED, một trong những lý do đạt kết quả trên là do doanh thu từ dịch vụ cho thuê văn phòng và bán lẻ có tăng trưởng đã bù đắp thiếu hụt từ hoạt động in thầu sách giáo khoa và mang lại hiệu quả cao hơn.

Về những mã giảm giá, mã VE9 của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng VNECO9 là cái tên đứng ở vị trí đầu tiên.

Mở đầu tuần với phiên đi ngang, VE9 ngay sau đó mất đà và có liên tiếp 4 phiên tiếp theo mất giá. Mã này đã đánh rơi tổng cộng 4.600 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ hơn 22%.

Theo báo cáo tài chính quý 2 của VE9, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt hơn 624 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với con số gần 3,8 tỷ đồng quý 2 năm trước. Lợi nhuận của công ty mẹ sau 6 tháng bởi thế chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng. Con số này được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2014 là trên 4,8 tỷ đồng.

SHN, OCH, THS và HLC là những mã ở các vị trí tiếp theo trong top giảm giá. Tỷ lệ giảm của những mã này dao động trong khoảng 16,35%-21,93%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục