Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Mã PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam sau 2 tuần "làm mưa làm gió" trong top tăng giá sàn HoSE đã thể hiện bộ mặt hoàn toàn khác trong tuần giao dịch cuối tháng Bảy.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Chiến/Vietnam+)

Mã PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam sau 2 tuần "làm mưa làm gió" trong top tăng giá sàn HoSE đã liên tục trượt dốc và chấp nhận là mã mất giá nhiều nhất trong tuần giao dịch cuối tháng Bảy.

Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 31/7 cho thấy, trên sàn HoSE, thay thế PNC ở vị trí quán quân nhóm tăng giá là mã HLG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Long.

HLG đã tăng giá từ 2.800 đồng/cổ phiếu lên 3.700 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ trên 32%.

Nhìn lại tuần qua, HLG đã có trọn vẹn 1 tuần tăng kịch trần. Nếu tính rộng hơn, đây đã là phiên thứ 10 liên tiếp mã này tăng giá kịch biên độ. Trong tuần trước, HLG chính là á quân nhóm tăng giá với tỷ lệ tăng gần 22%.

Như đã thông tin trước đó, tình hình kinh doanh được công bố gần đây của HLG không mấy tích cực. Lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm của công ty này theo báo cáo âm gần 14,8 tỷ đồng.

Giải thích cho kết quả này, HLG cho rằng, thị trường cá tra thế giới chững lại đã khiến nhu cầu nhập khẩu chưa có dấu hiệu tăng trưởng và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Với hoạt động kinh doanh taxi, lĩnh vực này cũng được phía HLG tự đánh giá là "chưa hiệu quả."

Đứng sau HLG, mã SII của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn đứng ở vị trí thứ 2 với mức tăng gần 28%.

Giống như HLG, SII cũng có 1 tuần giao dịch trọn vẹn tăng giá. Mức tăng tổng cộng sau 5 phiên giao dịch của mã này là 7.900 đồng/cổ phiếu.

Về những thông tin kinh doanh mới nhất của SII, kết thúc quý 1, lợi nhuận sau thuế của côngty mẹ chỉ đạt gần 867 triệu đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được phía SII chỉ ra do ảnh hưởng từ hoạt động như việc thanh lý tài sản và các khoản chi phí khác.

ASM, SAV và NAV là những mã ở các vị trí còn lại của nhóm tăng giá với mức tăng từ 16,44%-20%.

Ở chiều ngược lại, mã PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam đứng ở vị trí đầu tiên nhóm mất giá.

Trừ 1 phiên tăng giá đầu tuần tuần, PNC liên tục chìm trong sắc đỏ trong 4 phiên còn lại trong đó có 3 phiên nện sàn. Qua đó, mã này đã giảm tổng cộng 3.100 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giảm là trên 17%.

Trước đó, trong quý 1, PNC phải chịu khoản lỗ gần 3,9 tỷ đồng. Việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đạt 10 tỷ đồng qua đó là câu hỏi được nhiều cổ đông đặt ra trong phiên đại hội tổ chức gần đây.

Mã HTL của Công ty cổ phần Kỹ thuật và Ôtô Trường Long cũng có chung cảnh ngộ như PNC. HTL một tuần trước vẫn còn 1 chỗ trong nhóm tăng giá mạnh nhất sàn HoSE nhưng chỉ trong tuần cuối của tháng Bảy, mã này đã thể hiện bộ mặt hoàn toàn khác với 4 phiên mất giá liên tục.

Tuy vậy, thông tin gần đây của HTL khá lạc quan. Lợi nhuận sau thuế của HTL trong quý 2 đạt trên 43 tỷ đồng, tăng tới 712% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do được HTL đưa ra là nhu cầu xe tải của thị trường tăng cao trong quý 2. Trong số này, lượng xe chuyên dụng được ký nhiều hơn cũng giúp lợi nhuận của HTL cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên sàn HNX, mã CJC Công ty cổ phần Cơ điện miền Trung là mã tăng giá mạnh nhất trên sàn.

Sau 5 phiên giao dịch tuần này, CJC đã có tổng cộng 5 phiên tăng kịch trần và có thêm tổng cộng 10.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ hơn 60%.

Đây là tỷ lệ tăng cao đột biến trong vài tuần trở lại đây. Đặc biệt, trong điều kiện toàn thị trường tuần qua không mấy khởi sắc, CJC là một trong số ít mã liên tiếp ngập trong sắc tím.

Kết quả kinh doanh quý 2 của CJC cho thấy, doanh thu của đơn vị này tăng so với cùng kỳ năm ngoái và đạt khoảng hơn 105 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của CJC chỉ đạt trên 350 triệu đồng, giảm so với con số gần 454 triệu đồng của quý 2 năm 2014.

Nguyên nhân của sự chênh lệch trên theo lý giải của CJC với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là do "chi phí lãi vay cao."

Mã SRB của Công ty cổ phần Tập đoàn Sara đứng ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ tăng gần 24%. Mặc dù có 2 phiên cuối tuần đi ngang nhưng 3 phiên trước đó liên tục tăng giá trong đó có 2 phiên tăng kịch trần giúp SRB vững chân ở nhóm tăng giá.

VC9, VC7 và NGC những mã ở vị trí tiếp theo với mức tăng dao động trong khoảng 19,2%-21,52%.

Về những mã giảm giá, mã SIC của Công ty cổ phần Đầu tư–Phát triển Sông Đà với 5 phiên liên tiếp lao dốc chính là mã mất giá nhiều nhất sàn HNX.

Về tình hình kinh doanh SIC trong quý 2, doanh thu thuần của đơn vị này đạt hơn 16,5 tỷ đồng, giảm so với mức trên 17,2 tỷ đồng của quý 2 năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của SIC trong quý 2 đang âm khoảng 4,6 tỷ đồng trong khi cùng thời điểm trên năm ngoái, SIC đang lãi trên 532 triệu đồng.

Đứng vị trí thứ 2 nhóm giảm giá là cái tên từng trong top tăng giá tuần trước, mã KVC của Công ty cổ phần Sản xuất xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ.

Theo báo cáo của KVC với cơ quan chức năng, đơn vị này trong quý 2 có lợi nhuận đạt gần 6,7 tỷ đồng, tăng tới 146% so với quý 2 năm 2014.

Nguyên nhân mức tăng trên được phía KVC nhận định do đơn vị này đã đầu tư máy tăng sản lượng thép không gỉ cán nguội ra thị trường. Ngoài ra, hệ thống khách hàng đông đảo, giá bán hợp lý theo KVC cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận doanh nghiệp tăng như trên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục