Nhóm 5 mã tăng giá mạnh nhất sàn HoSE tuần này đồng thời xuất hiện 2 "ông lớn" trên thị trường là mã VCB của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và BVH của Tập đoàn Bảo Việt.
Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 3/7 cho thấy, trên sàn HoSE, đứng vị trí số 1 nhóm tăng giá là VCB. Mã này đã tăng giá từ 44.700 đồng/cổ phiếu lên 54.500 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 22%.
Nhìn lại tuần qua, VCB đã có tới 4 phiên tăng giá trong đó nổi bật nhất là phiên tăng kịch trần vào ngày 2/7. Đây là một trong những mã dẫn dắt thị trường giúp VN-Index trong những phiên cuối tuần liên tục tăng điểm mạnh.
BVH cũng là cái tên trong nhóm vốn hóa lớn được nhắc tới nhiều tuần qua với mức tăng ấn tượng. Cũng giống VCB, BVH đã có tổng cộng 4 phiên tăng giá trong tuần với tổng mức tăng là 7.500 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ gần 20%. BVH qua đó đứng ở vị trí thứ 3 nhóm tăng giá.
Trước đó, Tập đoàn Bảo Việt đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm với mức lợi nhuận sau thuế đạt 370,7 tỷ đồng.
Tổng doanh thu hợp nhất trong 3 tháng đầu năm của Bảo Việt đạt 4.733 tỷ đồng trong đó doanh thu từ lĩnh vực bảo hiểm đạt 3.658 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ) qua đó đóng góp 77% trong tổng doanh thu.
Trong Đại hội cổ đông năm 2015 được BVH tổ chức trước đó, phía Bảo Việt đã thống nhất kế hoạch doanh thu hợp nhất trong năm nay đạt khoảng 18.910 tỷ đồng trong đó lợi nhuận sau thuế là khoảng 1.140 tỷ đồng.
Đứng sau BVH, nhóm tăng giá mạnh nhất sàn HoSE cũng xuất hiện một cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng khác là BID của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
BID mở đầu tuần không mấy suôn sẻ với 2 phiên giảm giá tuy nhiên những phiên tăng giá khá mạnh còn lại đặc biệt là phiên tăng kịch trần vào ngày 2/7 đã giúp BID hồi phục và có mức tăng mạnh.
Thông tin mới nhất từ phía BID trong tháng Bảy là công bố tăng vốn điều lệ của ngân hàng này sau khi sáp nhập với Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB). Cụ thể, vốn điều lệ của ngân hàng sau sáp nhập với MHB được tăng từ 28.112 tỷ đồng lên trên 31.481 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nhóm năm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên sàn HoSE đã không còn 2 cái tên quen thuộc trong vài tuần trở lại đây là KSS và JVC.
Thay vào đó, mã mất giá nhiều nhất sàn tuần này là một cái tên cũ khác là mã DAG của Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á. Trừ 1 phiên tăng giá cuối tuần, DAG liên tục chìm trong sắc đỏ trong 4 phiên trước đó và thậm chí còn có tới 2 phiên nện sàn.
Qua đó, DAG đã giảm tổng cộng 3.400 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giảm là trên 17%. Trong tuần trước, mã này cũng liên tục lao dốc và mất giá tới 20% sau 5 phiên giao dịch.
HHS, AMD, BT6 và FDC lần lượt là các mã ở vị trí còn lại trong nhóm với mức giảm từ 10,5%-16,67%.
Bên sàn HNX, mã DLR Công ty cổ phần Địa ốc Đà Lạt là mã tăng giá mạnh nhất trên sàn.
Sau 5 phiên giao dịch tuần này, DLR đã có tổng cộng 4 phiên tăng kịch trần và chỉ 1 phiên đi ngang. Điều này giúp DLR có thêm tổng cộng 3.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 44%.
Kết quả kinh doanh quý 1 của DLR mặc dù đã tích cực hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn chưa thoát cảnh lợi nhuận âm. Trong giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, DLR cho biết, phía công ty đã lỗ tổng cộng gần 423 triệu đồng.
Nguyên nhân được phía DLR tự đánh giá là do doanh thu trong quý 1 đạt thấp trong khi phải chịu chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khấu hao.
Mã SGC của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang đứng ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ tăng trên 32%. Trước đó, báo cáo tài chính 3 tháng đầu năm của SGC cho thấy, công ty này đạt lợi nhuận trên 4 tỷ đồng, giảm hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong giải trình với cơ quan chức năng, SGC cho rằng, chi phí cố định trên một đơn vị sản phẩm tăng làm tăng giá vốn, giảm lợi nhuận là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm.
Những chi phí được phía SGC liệt kê đã tăng trong những tháng đầu năm là chi phí nhiên liệu, điện, nước, bảo hiểm và các khoản tính theo lương tăng.
BST, L62 và SGH là những mã ở vị trí tiếp theo với mức tăng dao động trong khoảng 17,5%-21,9%.
Về những mã giảm giá, mã SHN của Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp Hà Nội tuần thứ 2 liên tiếp xuất hiện trong nhóm này.
Ngoài 1 phiên duy nhất tăng 500 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Bảy, 4 phiên còn lại trong tuần, SHN đều mất giá trong đó có 1 phiên giảm kịch biên độ.
Tổng cộng, cổ phiếu thuộc ngành dịch vụ hỗ trợ này đã đánh rơi 3.100 đồng/cổ phiếu (-20%) trong những phiên giao dịch tuần qua và đứng ở vị trí thứ 2 nhóm mất giá. Trong tuần trước, SHN chính là mã đứng đầu nhóm giảm giá với tỷ lệ lên tới trên 27%.
Đứng ở vị trí đầu tiên là mã VTC của Công ty cổ phần Viễn thông VTC. VTC chỉ có 1 phiên tăng giá duy nhất ngày 3/7 còn lại liên tục chìm trong sắc đỏ với 3 phiên nện sàn.
Chốt phiên ngày 3/7, VTC đã giảm tổng cộng 1.500 đồng/cổ phiếu so với cuối tuần trước, tương đương tỷ lệ trên 21%.
Báo cáo tài chính quý 1 của VTC khá ảm đạm. Doanh thu trong quý đầu tiên chỉ đạt trên 8,4 tỷ đồng và lỗ gần 3,4 tỷ đồng. Số lỗ này tăng mạnh so với lợi nhuận âm gần 624 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.
BED, TSB, CJC là những mã ở các vị trí còn lại với tỷ lệ giảm từ 17,37%-18,5%./.