Tuần này, cổ phiếu FLC tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về khối lượng giao dịch, lên gần 111 triệu đơn vị. Đứng vị trí thứ hai là HAG, khối lượng chuyển nhượng 40 triệu đơn vị. Các vị trí khác trong top 5 thuộc về OCG, DLG, HQC.
Bên phía sàn HNX, cổ phiếu SHB duy trì ngôi vị dẫn đầu, khối lượng chuyển nhượng đạt 28 triệu đơn vị. Đứng sau là mã SCR với khối lượng giao dịch đạt gần 18 triệu đơn vị và các mã KLF, PVX, PVS.
Kể từ đầu năm tới nay, VN-Index liên tiếp trải qua hai tuần giao dịch giảm mạnh. Chốt tuần, chỉ số này giảm 3,04% xuống còn 543,04 điểm. Diễn biến giao dịch trên HNX cũng không mấy lạc quan, HNX-Index cũng giảm 1,33%, xuống còn 75,39 điểm.
Trên thị trường, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn là tâm điểm của sự điều chỉnh. Tuy nhiên biên độ giảm đã thu hẹp so với tuần trước, các GAS (-2%), PVD (-3,06%), PGD (-0,38%). Cá biệt mã PXS đã lội ngược dòng với mức tăng nhẹ: PXS (+1%).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài mã EIB tăng nhẹ (+2,75%), còn lại VCB (-3,79%), BID (-5,32%), STB (-11,9%), MBB (-0,72%).
Nhóm cổ phiếu trong rổ VN-30 giao dịch khá tiêu cực, nhiều mã giảm với biên độ lớn, như BVH (-9,04%), MSN (-8,5%), KDC (-11,06%), HPG (-7,94%), HSG (-6,37%).
Thanh khoản tiếp tục giữ ở mức cao, khối lượng khớp lệnh trung bình mỗi phiên trên HoSE đạt trên 113 triệu đơn vị và đạt gần 34 triệu đơn vị tại HNX.
Trong tuần, khối ngoại đẩy mạnh hoạt động cả hai chiều mua và bán. Tổng kết tuần giao dịch, họ vẫn bán ròng gần 346 tỷ đồng trên HoSE và 28 tỷ đồng tại HNX.
Tại sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng lớn nhất là mã EIB, khối lượng 12 triệu đơn vị, tiếp đến là DLG đạt gần 3,7 triệu đơn vị, các vị trí liền sau là các mã DXG, CII, HHS.
Bên cạnh đó, nối tiếp tuần trước họ duy trì bán ròng lớn nhất tại mã VIC, khối lượng gần 4,2 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã ITA có khối lượng 2,7 triệu đơn vị.
Phía sàn HNX, mã IVS được khối ngoại mua ròng nhiều nhất 667.100 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là TIG, PLC, LIG, SCR.
Chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh nhất tại mã DBC với gần 1,6 triệu đơn vị, tiếp đến là các mã PVS, VCG, HDO, VND.
Nhìn chung, thị trường tiếp tục giao dịch trong trạng thái tiêu cực. Hoạt động bán tháo xuất hiện trong hai phiên giao dịch cuối tuần, cho thấy tâm lý thái bi quan, thậm chí có phần hoảng loạn và khiến thị trường sụt giảm mạnh trong ngắn hạn.
Việc khối ngoại quay trở lại bán ròng tại nhóm các cổ phiếu blue-chip lớn, như MSN, VIC, HPG... đã gây sức ép tâm lý không nhỏ tới dòng vốn nội.
Như vậy, VN-Index đã mất tới hơn 6,6% sau 2 tuần, kể từ đầu năm đến nay. Về cơ bản, biến động tiêu cực này bị ảnh hưởng bởi tình hình tài chính quốc tế, đặc biệt tại Trung Quốc và áp lực điều chỉnh giảm sâu của giá dầu thô.
Cụ thể, nền kinh tế Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn, số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2015 được công bố ở mức kém tích cực do nhu cầu hàng hóa của các thị trường tiêu thụ suy giảm.
Thị trường chứng khoán nước này đã phải 2 lần sử dụng cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động do áp lực điều chỉnh sâu và sau đó đã phải dừng áp dụng cơ chế này trên thị trường.
Thêm vào đó, động thái “đối phó” của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc khi bất ngờ giảm mạnh tỷ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ rồi sau đó lại tiến hành can thiệp để đỡ tỷ giá.
Song giới phân tích cũng lên tiếng cảnh báo, phản ứng của nhà đầu tư trong nước tại các phiên gần đây là khá tiêu cực trước các rủi ro tác động từ bên ngoài, khiến trạng thái tâm lý ổn định của thị trường bị phá vỡ.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.