Tuần này, cổ phiếu HQC dành vị trí dẫn đầu sàn HoSE về khối lượng giao dịch, đạt gần 24,9 triệu đơn vị. Tiếp đến là cổ phiếu ITA, có khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng 18,9 triệu đơn vị và HAG, FLC, FIT là các vị trí còn lại trong top 5.
Trên sàn HNX, mã BED là cổ phiếu có khối lượng chuyển nhượng cao nhất, với 18,4 triệu đơn vị. Thứ hai là mã cổ TIG có khối lượng giao dịch đạt 13,6 triệu đơn vị và liền sau đó là các mã TLF, KHB, PVX.
Diễn biến thị trường chung, VN-Index trải qua một tuần tích lũy đi ngang, áp lực chốt lời vẫn được duy trì và khiến dòng tiền chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau đó quay lại nhóm blue-chip trong các phiên cuối tuần.
Chốt tuần, VN-Index tăng 0,85% lên 593,02 điểm đồng thời HNX-Index vẫn duy trì mức tăng ổn định với 4 phiên đi lên. HNX-Index chốt tuần tăng 0,53%, lên 81,18 điểm.
Trong tuần, nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản dẫn đầu về mức tăng giá, cụ thể mã ITA (+8,06%), HQC (+6,67%), CII (+4,76%), CTD (+4,43%), KBC (+3,52%), DXG (1,61%).
Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu SCIC dự định thoái vốn vẫn giữ đà tăng khả quan, mã VNM (+4,95%), FPT (+1,97%). Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng có mức tăng nhẹ, mã CTG (+3,43%), VCB (+0,43%), BID (0,41%), tuy nhiên mã MBB (-1,34%).
Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí chịu ảnh hưởng tâm lý từ việc giá dầu thế giới liên tục suy giảm mà đồng loạt điều chỉnh, mã GAS (-1,86%), PVD (-2.11%), PXS (-2,99%).
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng phân hóa khá mạnh sau tuần giao dịch nhiều biến động, BVH (+0,88%), BIC (-4,4%). Riêng, mã BMI vẫn là điểm sáng trong nhóm khi nằm trong danh mục SCIC thoái vốn, chốt tuần ở 23.000 đồng/cổ phiếu (+4,55%).
Thông tin vĩ mô nổi bật trong tuần bao gồm: 1/Trong tháng 9 nền kinh tế nhập siêu tới 220 triệu USD; 2/ Tỷ giá tăng mạnh trong 3 phiên giao dịch đầu tuần.
Tuần qua, giao dịch khối ngoại thiếu tích cực, họ giảm chiều mua trên cả hai sàn. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng nhẹ 3,63 tỷ đồng trên sàn HNX, nhưng bán ròng 166,58 tỷ đồng trên HoSE.
Cụ thể tại sàn HoSE, họ mua ròng mạnh nhất là mã NAF với khối lượng 2 triệu đơn vị, đứng thứ hai là mã DCM đạt 1,3 triệu đơn vị, các vị trí kế tiếp là các mã HAG, SSI, VCB.
Ở chiều ngược lại, họ lại bán ròng mạnh nhất tại mã cổ phiếu HSG, với khối lượng lên đến 966.520 đơn vị, đứng thứ hai là mã HVG có khối lượng gần 966.340 triệu đơn vị.
Phía sàn HNX, mã VND được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 341.900 đơn vị. Các mã đứng ở những vị trí tiếp theo là BCC, CHP, IVS, VKC.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng nhiều nhất tại mã cổ phiếu VSG, với 213.000 đơn vị, tiếp đến là các mã SHB, TNG, NTP, PVC.
Nhìn lại, giao dịch vẫn trong trạng thái giằng co khi mà VN-Index không giữ được mốc 615 điểm từ phiên thứ Sáu của tuần trước đó.
Nhóm các cổ phiếu trụ sau tuần tăng điểm mạnh đã bị các nhà đầu tư quay ra bán chốt lời, khiến VN-Index có các phiên giảm điểm liên tiếp với mức giảm gần 2% và lùi xuống sát ngưỡng 600 điểm trước khi bật lại tích cực trong hai phiên cuối tuần.
Một điểm đáng chú ý, tỷ giá là một trong các yếu tố gây lo ngại nhà đầu tư trong các phiên giao dịch đầu tuần. Hiện đồng USD đang liên tục tăng so với các ngoại tệ chủ chốt, do kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ-FED tăng lãi suất vào tháng 12.
Trong nước, tỷ giá USD/VND trên thị trường có tăng khá mạnh (mức giá bán ra trong ngày 13/11 quanh ngưỡng 22,450 đồng/USD). Dù diễn biến tỷ giá đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại nhưng hiện tại tỷ giá chính thức vẫn đang thấp hơn trần tỷ giá gần 100 đồng, do vậy, theo tính toán của giới phân tích, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng vẫn chưa can thiệp để tiến hành hạ nhiệt tỷ giá vào thời điểm này. Tuy nhiên điều này dường như cũng cảnh báo, không thể kỳ vọng khối ngoại trở lại mua ròng trong các phiên sắp tới trừ, khi tỷ giá ổn định trở lại hoặc các thông tin liên quan tới nới room xuất hiện các tình tiết mới./.
Số liệu thống kê do Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cung cấp./.