Năm lễ hội cổ độc đáo của Bắc Bộ nên đi sau rằm tháng Giêng

Ra Giêng là thời điểm "nhà nhà đi lễ, người người đi hội" góp thành không khí tưng bừng hoan hỉ đặc biệt, nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng giới thiệu 5 lễ hội cổ xưa độc đáo diễn ra sau rằm tháng Giêng.

Ra Giêng là thời điểm "nhà nhà đi lễ, người người đi hội" góp thành không khí tưng bừng hoan hỉ đặc biệt, mỗi người tìm đến lễ hội còn như một cách để có niềm tin và tìm được bình an trong cuộc sống thường nhật.

Trong Không gian Văn hóa Hanoia, với chủ đề "Chơi hội ngày Xuân," Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Quang Thắng - chuyên gia Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, là người đã nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Xuân Phả (Thanh Hóa), Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Tịch điền (Hà Nam)… giới thiệu 5 lễ hội cổ xưa độc đáo của Bắc Bộ diễn ra sau ngày 14 tháng Giêng.

1. Lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn)

Lễ rước linh vật sinh thực khí nam trong lễ hội Ná Nhèm. (Ảnh: TTXVN)

Lễ hội Ná Nhèm diễn ra từ ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Theo ông Bùi Quang Thắng, lễ hội Ná Nhèm trong tiếng Tày có nghĩa là “mặt nhọ” và là lễ điểm của người Tày ở xã Trấn Yên (Bắc Sơn, Lạng Sơn) thu hút đông đảo người dân cùng du khách thập phương về tham dự. Lễ hội Ná Nhèm đã phục dựng được 5 năm nay.

Trong lễ hội, các thành phần tham gia đều bôi mặt nhọ với ý nghĩa nhằm đánh lạc hướng những linh hồn giặc, sẽ không còn con ma nào biết ai diễn lại hình dạng và thất bại của chúng trước dân làng mà bắt về gây tai họa, dịch bệnh. Lễ hội Ná Nhèm nhằm phát huy những nét truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa lễ hội của cộng đồng.

“Điểm đặc sắc nhất của lễ hội Ná Nhèm là màn 6 chàng trai lực lưỡng được chọn rước linh vật sinh thực khí nam (hay còn gọi là tàng thinh) và linh vật sinh thực khí nữ (mặt nguyệt). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn,” ông Thắng cho biết.


2. Lễ hội Xuân Phả (Thanh Hóa
)

Diễn xướng xuất sắc Trò Xuân Phả. (Ảnh: TTXVN)

Trò Xuân Phả thường diễn ra vào các ngày 10-12/2 Âm lịch hàng năm. Theo nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng, lễ hội Xuân Phả được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm để trở thành một tổ hợp múa dân gian đặc sắc, độc nhất vô nhị chỉ tồn tại ở làng Xuân Phả nay thuộc xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa xuất sắc với tên gọi Hoa Lang, Tú Huần (Lục Hồn Nhung), Ai Lao, Ngô Quốc và Xiêm Thành (Chiêm Thành) mô phỏng các hoạt động của quốc gia, tộc người láng giềng đến yết kiến, tiến cống nhà vua nước Việt.

Một trong những nét cổ truyền đặc sắc và tài tình của lễ hội theo ông Thắng là hầu hết diễn viên là người nông dân và đạo cụ diễn trò Xuân Phả đều chế tạo bằng nguyên liệu sẵn có như tre, trúc, gỗ vông, rễ cây si.

Bên cạnh đó, các loại nhạc cụ gồm trống, nhị, hồ, thanh la, não bạt. Trống có đường kính mặt 60- 65 cm nhưng phải có tiếng và âm phù hợp với loại hình trò diễn. Mõ có hình dáng cong lưỡi liềm, dài khoảng 20cm được chế từ gốc tre già, mặt ngoài được làm nhẵn, bên trong đục rỗng để có độ cộng hưởng âm thanh.

Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng, Trò Xuân Phả mang đậm yếu tố cung đình và dân gian Việt trong từng điệu múa. Với những điệu múa độc đáo, có sự pha trộn yếu tố cung đình và dân gian mang đầy tính chất ước lệ nhưng Trò Xuân Phả cũng rất huyền bí, lộng lẫy, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc nói chung, của người nông dân nơi nó được sinh ra nói riêng.

Trang phục sặc dỡ, mặt nạ kì bí, âm nhạc xuất sắc - Trò Xuân Phả là viên ngọc quý trong số những lễ hội truyền thống độc đáo.

3. Lễ hội Quang Lang - Bà chúa Muối (Thái Bình)

Nhà nghiên cứu lễ hội Bùi Quang Thắng chia sẻ về 5 lễ hội cổ xưa đặc sắc sau rằm tháng Giêng

Lễ hội được tổ chức ngày 14/4 Âm lịch hàng năm tại Đền thờ bà chúa Muối thuộc làng Quang Lang, xã Thụy Vân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Lễ hội là nơi gửi gắm ước vọng của những người dân làng muối về sự sản sinh, sinh sôi, dồi dào. Nơi đó có sự giao hòa của con người cùng sông nước đất trời làm lòng người thêm tươi trẻ, cây cối thêm xanh tươi, thóc lúa thêm nhiều, báo hiệu một mùa muối dồi dào, bội thu.

Theo chuyên gia Bùi Quang Thắng, lễ hội đặc sắc với điệu múa ông Đùng, bà Đà mang đậm chất folklore (dân gian)- nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng.

Hàng năm, trước ngày khai hội dân làng Quang Lang đã phải chuẩn bị nhiều việc trong đó có tục múa ông Đùng bà Đà vô cùng công phu. Người ta lấy nia (có đường kính 1m) vẽ mặt ông Đùng, bà Đà, mặt ông Đùng vẽ đỏ, mặt bà Đà vẽ trắng. Trên tai của bà Đùng được đeo hoa mò màu đỏ.

Hình ông Đùng, bà Đà được đan bằng tre mỏng, đan theo kiểu mắt cáo. Thân hình cao tới 1,5m - 2m, hình chóp nón, đường kính phía dưới rộng, đủ cho một người chui lọt vào. Sáng sớm ngày 14/4 âm lịch, các thôn trong làng mang các hình nộm ông Đùng, bà Đà vào Đền thờ bà chúa Muối để tiến hành các nghi thức tế lễ một cách nghiêm trang thành kính.

Tục chính của lễ hội là múa Đùng được diễn ra vào lúc nhập nhoạng tối cùng ngày. Khi múa lúc nghiêng ngả, quay sang phải, sang trái, cho ông bà có cơ hội "bày tỏ" tình cảm vui mừng với nhau. Ông Đùng vác gốc dứa, bà Đà cầm mo nang, có lúc giáp mặt, có lúc ghé tai, có lúc hô: “tinh, tinh, tinh, phập!” thì lấy gốc dứa dâm vào mo cau....

Chuyên gia Bùi Quang Thắng cũng cho biết, để lột tả hết giá trị tín ngưỡng của lễ hội, các vai ông Đùng, bà Đà phải phối hợp sao cho những lần giáp mặt, thân chập vào nhau. Sau đó, đoàn múa ra khỏi Đền và đi quanh làng, các Đùng con quấn quýt xung quanh Đùng bố mẹ. Dân làng đi theo nhộn nhịp, vừa đi vừa hát múa. Lúc đám rước quay về tới Đền thì dân làng vội vã xô nhau vào để lấy cho được một nan nứa trên hình nộm hai ông bà về cắm vào ruộng, vào vườn, trên thuyền để lấy may. Trong khi múa người ta xướng vang những câu tụng ca công đức của bà chúa Muối như: "Lạy chúa! Muối của chúa năm nay được mùa lắm! Lạy chúa, lạy chúa…"

4. Lễ hội Gióng (Phù Đổng, Sóc Sơn)

Hội Gióng. (Ảnh: TTXVN)

Hội Gióng Phù Đổng chính thống được tổ chức hàng năm vào hai ngày mùng 8-9/4 Âm lịch tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, nơi sinh ra người anh hùng huyền thoại "Phù Đổng Thiên Vương."

Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững.

Khác với hội Gióng xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn, là nơi dừng chân cuối cùng của ông Gióng trước khi về trời), lễ hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội là nơi tái hiện lại trận đánh chống giặc Ân xâm lược của Đức Thánh Gióng năm xưa.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Quang Thắng, bên cạnh nhìn nhận Hội Gióng như một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn tiến hành theo một kịch bản đã được chuẩn hóa, thì các đạo cụ, y phục, mỗi một chương mục, mỗi một vai diễn đều chứa đựng những ý nghĩa ma thuật cầu mưa hết sức sâu sắc.

Tất cả thành phần tham gia được chọn lọc kỹ lưỡng gồm 28 tướng giặc và 28 trinh nữ dưới 15 tuổi. Gia đình nào có người được chọn, họ coi như một may mắn lớn và tổ chức ăn mừng rất lớn.

5. Lễ hội vật Cầu Bùn (Bắc Giang)

Một cảnh cướp cầu đặc sắc của lễ hội vật cầu bùn. (Ảnh: TTXVN)

Đây được xem là một trong những lễ hội cổ xưa, có từ thế kỷ thứ 6, Cầu bùn là lễ hội độc đáo của tỉnh Bắc Giang, diễn ra hai năm một lần vào các ngày 12,13 và 14/4 Âm lịch tại thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang.

Theo chuyên gia Bùi Quang Thắng, lễ hội đánh cầu bùn được nhân dân làng Vân khôi phục lại vào năm 2002 sau nhiều năm gián đoạn, cầu cho tránh lụt lội. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.

Việc tuyển chọn quân cầu được đặt ra rất khắt khe. Tổng số quân cầu được chọn là 16 người, đều phải là trai chưa vợ, khỏe mạnh, không có tang bụi, không có bệnh tật, dị tật, không có can phạm, can án. Tất cả quân cầu đều được huấn luyện 3 buổi chiều trước khi hội mở. Quân cầu cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân quay mặt vào đền lễ thánh.

Sân đình rộng hơn 200 mét vuông đã được đổ đầy đất bùn. Bùn ở đây được kiểm tra kỹ càng, nước không được quá nhiều (sẽ bị ướt), hoặc quá ít (sẽ bị khô). Mà nước ở đây, cũng phải là nước sông Cầu do từ 4-6 cô gái mặc đồ truyền thống của làng quê Bắc Bộ (gồm áo nâu, quần thâm đen, xắn tới đầu gối và đi chân đất) gánh nước từ sông lên bằng quang gánh cổ truyền, chiếc đòn gánh được chuốt kỹ và chỉ dùng mỗi khi có lễ hội. Thùng nước không phải thùng thông thường mà bằng chum của làng Thổ Hà, loại chum dùng để cất rượu.

Quả cầu làm bằng gỗ lim, nặng 20kg nên đòi hỏi người chơi phải khéo léo và có kỹ thuật, sức khỏe. (Ảnh: TTXVN)

Hai đầu sân có hai lỗ sâu gần 1m, rộng nửa mét, các đấu thủ ôm cầu đẩy xuống hố sẽ được tính là đội chiến thắng. Quả cầu không phải cầu bình thường, mà là quả cầu nặng khoảng 20kg làm bằng gỗ. Bưng được quả cầu đó và phải bảo vệ, di chuyển, cho vào lỗ trước sự cản phá “ác liệt” của đối phương và trên bãi bùn trơn trượt, quả là một thử thách không hề nhỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục