Năm học đặc biệt chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt của ngành với rất nhiều khó khăn nhưng ngành đã nỗ lực vượt qua và đạt nhiều kết quả tốt.
Lần đầu tiên trong lịch sử, học sinh và giám thị phải mang khẩu trang vào phòng thi vì dịch COVID-19. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

“Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần hai tháng so với những năm học trước.”

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020.

Năm học nhiều khó khăn

Năm học 2019-2020 là năm bản lề quan trọng của ngành giáo dục để chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 trên cả nước. Nhiều nhiệm vụ được đặt ra như phải hoàn thành việc bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị đội ngũ; chuẩn bị cơ sở vật chất; thẩm định và ban hành sách giáo khoa lớp 1, tập huấn sử dụng sách cho các thầy cô giáo...

Trong khi có rất nhiều việc cần triển khai thì dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp khiến ngành giáo dục có thêm một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là phải đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên. Mục tiêu kép được lãnh đạo ngành đặt ra là an toàn trước dịch bệnh nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để thực hiện mục tiêu trên, học sinh trên cả nước đã tạm dừng đến trường trong ba tháng, từ giữa tháng hai đến giữa tháng 5. Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải có thể ảnh hưởng tới một thế hệ học sinh.

Với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, nhiều hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học. Dịch COVID-19 đã trở thành một “cú hích,” tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục khi khắp nơi trên cả nước, các thầy cô giáo và học sinh đã nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy và học tập qua internet. Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh dự án Giáo dục số trong Đề án hệ tri thức Việt số hóa, triển khai xây dựng kho bài giảng E-learning với hơn 5.000 bài giảng điện tử có chất lượng, hơn 2000 bài giảng trên truyền hình; gần 30.000 câu hỏi trắc nghiệm và dữ liệu trường học kết nối.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới công bố số liệu học trực tuyến phòng, chống COVID-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác với gần 80% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).

Trong bối cảnh dịch COVID-19, các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch. Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy khả năng “chống chịu”, thích ứng và trách nhiệm xã hội của ngành giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.

Những thành tích đáng nể

Tuy là một năm học nhiều khó khăn nhưng ngành giáo dục vẫn đạt những thành tích cao trên nhiều phương diện.

Việt Nam đã tổ chức thành công kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 dù phải bố trí thành hai đợt. Đợt một cho các địa phương ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và đợt hai dành cho các địa phương có diễn biến dịch phức tạp. Công tác tuyển sinh đại học diễn ra thuận lợi.

Việc chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 cho năm học 2020-2021 đã diễn ra đúng kế hoạch. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời ban hành 5 bộ sách giáo khoa lớp 1, triển khai bồi dưỡng giáo viên. Lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục, giáo viên được quyền chọn sách giáo khoa. Trong khi học sinh trên cả nước nghỉ học, các giáo viên lớp 1 vẫn đến trường để nghiên cứu, lựa chọn ra bộ sách giáo khoa phù hợp cho học sinh của mình và tham gia tập huấn chuẩn bị cho chương trình mới.

Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngành giáo dục cũng hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (năm 2015 mới có 32/63 tỉnh/thành phố hoàn thành phổ cập). Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây.

[Lũ lụt miền Trung: Hàng chục nghìn học sinh 'khát' sách giáo khoa]

Giáo dục mũi nhọn cũng đạt các kết quả cao với 8 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 4 huy chương đồng trong các kỳ thi Olympic quốc tế. Lần đầu tiên đội Olympic Hóa học dành tới 4 huy chương vàng. Lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 tham gia thi Olympic Toán quốc tế và đoạt huy chương vàng.

Giáo dục đại đạt bước tiến mạnh mẽ khi Việt Nam có tới 4 trường đại học lọt tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới, số lượng công bố khoa học quốc tế tăng lên.

Tuy đạt nhiều thành tích nhưng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành giáo dục vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều; tình trạng thiếu cơ sở vật chất; bất cập trong quản lý sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; hạn chế trong chất lượng nguồn nhân lực...

Ngoài ra, trên thực tế, bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều đã gây ra những bức xúc nhất định trong dư luận...

“Chúng tôi mong muốn được nghe ý kiến góp ý để ngành giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục