Ngày 25/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc dự hội nghị.
Chủ động thích ứng, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm
Chia sẻ về kết quả năm học 2021-2022, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dù có nhiều khó khăn ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, với sự nỗ lực chung, ngành Giáo dục thành phố đã hoàn thành "nhiệm vụ kép," vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng cao.
Tuy nhiên, áp lực tăng dân số cơ học, mật độ dân số cao, nhiều địa phương xảy ra tình trạng quá tải trường, lớp, chưa đảm bảo 100% học sinh được học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của chương trình mới. Nhiều trường có sỹ số học sinh/lớp đông, vượt chuẩn, nhất là bậc Tiểu học. Trong khi đó, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa, phát triển hệ thống trường ngoài công lập gặp khó khăn do vướng quy định về đất đai. Mặt khác, tình trạng thiếu giáo viên ở một số bộ môn như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật dẫn đến khó khăn trong công tác bố trí giáo viên, tổ chức dạy và học ở một số trường.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá cao và biểu dương thành tích xuất sắc ngành Giáo dục Thành phố đã đạt được trong năm học vừa qua. Đặc biệt, trong bối cảnh phải thực hiện yêu cầu chưa từng có từ trước đến nay là tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học, ngành Giáo dục đã chủ động thích ứng để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Dù vậy, kết quả đạt được chưa thực sự đáp ứng được hết yêu cầu, lòng mong mỏi của người dân thành phố. Khó khăn của ngành Giáo dục cũng là khó khăn chung của thành phố, một đô thị lớn với là áp lực tăng dân số cơ học cao trong khi quy hoạch phát triển hạ tầng nói chung, phát triển trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu của người dân.
[Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang áp mức sàn khi thu học phí]
Ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh thành phố luôn xem giáo dục là hoạt động quan trọng, được ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Bởi lẽ giáo dục có phát triển toàn diện, thực chất mới có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững, thực chất của nền kinh tế-xã hội. Vì thế, ngành Giáo dục thành phố cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, từ vấn đề xây dựng trường lớp, đội ngũ, đến việc đổi mới công tác dạy và học để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Ngành cần quan tâm hơn nữa tới giáo dục Mầm non, năm học vừa qua đây là bậc học gặp nhiều trở ngại nhất do ảnh hưởng của dịch khi học sinh không thể đến lớp; nhiều cơ sở Mầm non tư thục phải đóng cửa do khó khăn khiến giáo viên, bảo mẫu mất việc…
Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, để thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trước hết phải đổi mới trong tư duy và hành động chính từ đội ngũ quản lý, tiếp đến lan tỏa và thống nhất trong toàn đội ngũ giáo viên. Vấn đề xây dựng văn hóa học đường cần được ngành Giáo dục chú trọng hơn nữa, trường học vừa là môi trường học tập tốt, vừa rèn luyện nhân cách con người.
Cùng với đó, các quận, huyện cần rà soát lại hệ thống trường lớp các cấp để có giải pháp căn cơ và trước mắt giải quyết tình trạng quá tải trường, lớp và thiếu giáo viên. Ngành Giáo dục thành phố cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ cho đội ngũ giáo viên Mầm non nói riêng, giáo viên các bậc học nói chung, bên cạnh các chính sách chung, thành phố cần đề xuất thêm cơ chế chính sách hỗ trợ để thầy cô giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Thực hiện chủ trương chung, hiện nay, ngành Giáo dục tổ chức dạy và học một chương trình nhưng nhiều bộ sách giáo khoa. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị ngành Giáo dục cần đặc biệt lưu ý đến công tác chọn sách giáo khoa khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Công tác này cần thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo công bằng, vì lợi ích của học sinh, vì lợi ích của ngành.
Khắc phục khó khăn, nâng chất lượng giáo dục
Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 của thành phố, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhận định ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã vượt qua một năm học rất đặc biệt, nhiều khó khăn, thử thách trong đại dịch COVID-19 để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Thành phố đã thực hiện tốt chủ trương của ngành là tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học. Dù gặp nhiều khó khăn, song ngành Giáo dục thành phố tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục; chuẩn bị tích cực các điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo Chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược sẽ sớm được ban hành, do đó, các địa phương; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu để xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược này hiệu quả. Chiến lược đặt ra một số mục tiêu cục thể như đến năm 2030 giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và đến năm 2045 đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Về giáo dục Mầm non, mục tiêu trong Chiến lược đề ra đến 2030 sẽ phổ cập mầm non 3 tuổi. Dù có nhiều điều kiện, cơ sở để đạt được mục tiêu này, Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa để nâng cao chất lượng và phát triển số lượng mầm non tư thục, mầm non ở khu chế xuất, khu công nghiệp.
Về giáo dục phổ thông, hiện ngành đang thực hiện lộ trình đến năm 2025 sẽ hoàn tất triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở các khối lớp. Mục tiêu Chiến lược đề ra là thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức một chiều sang phát huy năng lực phẩm chất người học. Chiến lược đề cập đến vấn đề học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu người dân.
"Để triển khai tốt các nhiệm vụ của năm học mới cũng như nhiệm vụ trong Chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, Thành phố Hồ Chí Minh cần khắc phục các tồn tại, khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, cũng như chuẩn bị đội ngũ đạt chuẩn," Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý.
Theo lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố, năm học 2022-2023, ngành tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục. Cùng với triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục chuẩn bị điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo; tiếp tục đổi mới và thực hiện phương pháp dạy học và hình thức kiểm ra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá.
Đặc biệt, ngành Giáo dục thành phố tiếp tục phối hợp với các địa phương rà soát quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học; phối hợp với sở ngành tham mưu các cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trường học nhằm đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học vào năm 2025. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn đầu tư vào giáo dục.
Cùng với đổi mới công tác tuyển dụng giáo viên, thành phố tiếp tục có chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ; tạo điều kiện cho các nhà giáo, chuyên gia nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố.
Năm học 2022-2023, thành phố có hơn 1,6 triệu học sinh, trong đó hơn 260.000 học sinh Mầm non, hơn 660 học sinh bậc Tiểu học, hơn 460.000 học sinh Trung học Cơ sở và hơn 245.000 học sinh Trung học Phổ thông. Đáp ứng yêu cầu dạy và học, trong năm học 2022-2023 thành phố sẽ đưa vào sử dụng 575 phòng học mới; đồng thời tuyển mới 5.200 giáo viên cho các bậc học./.