Nam Định thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng do bão số 2

Bão số 2 đã làm hư hại hệ thống đê kè tại Nam Định, hàng nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản, ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.
Bão số 2 đã gây mưa trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định, làm hư hại nhiều hệ thống đê kè, hàng nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản, muối, hoa màu…ước tính thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều tỉnh: Chiều tối 23/6 bão số 2 đã vào sát bờ biển Nam Định đúng vào lúc đỉnh triều cường.

Triều cường và gió mạnh đã làm nước biển dâng cao (1,5m-2,5m), làm ngập sâu hai khu du lịch Quất Lâm (huyện Giao Thủy) và Thịnh Long (huyện Hải Hậu) từ 1m-1,5m tùy khu vực.

Kè, đường ven kè bãi tắm Quất Lâm bị sạt dài 50m. Toàn bộ hệ thống giao thông, công trình công cộng, hệ thống tiêu thoát nước của hai khu này bị ngập gây hư hỏng, sụt lún cục bộ, thiệt hại trên 20 tỷ đồng. Nước to và sóng lớn cũng làm sập 150m2 dốc bê tông lại đê biển Hải Hậu, mái đá xây hai bên dốc bị sập diện tích 180m2.

Một số kè khác bị sạt và xói mòn như kè 16 đê tả Đáy (huyện Nghĩa Hưng), kè Nghĩa Thắng, kè Cồn Nhì...Toàn bộ đá mái kè Cồn Ba đã bị cuốn trôi.

Riêng về nuôi trồng thủy sản, tính đến thời điểm hiện tại bão số 2 đã gây thiệt hại gần 100 tỷ đồng tại Nam Định.

Hơn 1.500 ha nuôi trồng thủy sản ngoài đê bị mất do đê ngập và sạt lở bờ;150 ha nuôi tôm, cá chết do sốc môi trường và nhiều diện tích nuôi ngao bị hỏng hoàn toàn.

Toàn bộ diện tích muối của Nam Định cũng bị ngập, ô lề hư hỏng, hai kho muối bị sét đánh.

Trước tình hình thời tiết vẫn diễn biến khó lường, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định và các huyện phối hợp cùng các ngành công an, quân đội vẫn chủ động, duy trì lực lượng túc trực ứng cứu và giúp đỡ người dân giảm thiểu thiệt hại từ cơn bão, tiếp tục bảo vệ an toàn tính mạng người dân.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương nhanh chóng bơm tiêu chống úng cho các diện tích mạ và hoa màu bị ngập, tăng cường các biện pháp điều hòa nước cho việc gieo cấy lúa mùa; kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên nhiều tuyến đê sông, đê biển, công trình đang thi công để có phương án xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn đê điều.

Hiện, công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà và các công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh đã sẵn sàng vận hành tiêu rút nước chống úng, phối hợp với các huyện, thành phố khoanh vùng bảo vệ cho trên 2.000 ha mạ vụ mùa vừa mới gieo./.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục