Nam Định: Quyết không để tư nhân hóa Quần thể Di tích Phủ Dầy

Do thiếu vai trò quản lý Nhà nước, các thủ nhang ở Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy coi phủ như nhà mình, đặc biệt hoạt động khai thác du lịch tâm linh ở đây đã và đang bị thương mại hóa.
Nam Định: Quyết không để tư nhân hóa Quần thể Di tích Phủ Dầy ảnh 1Rước kiệu của các xã trong Hội Phủ Dầy. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, đã hoàn thiện và dự kiến trong tháng 1/2015 sẽ ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy.

Theo đánh giá của các nhà quản lý, giới chuyên môn và cộng đồng dân cư địa phương, việc ban hành Quy chế này là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích.

Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh) gồm hơn 20 di tích thờ Bà chúa Liễu Hạnh, có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.

Nơi đây có bộ ba di tích liên quan chặt chẽ tới Mẫu Liễu Hạnh là phủ Vân Cát, phủ Tiên Hương và Lăng bà Chúa Liễu Hạnh.

Ngoài ra, Phủ Dầy còn có hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia rất độc đáo là Nghi lễ Chầu văn của người Việt và Lễ hội Phủ Dầy - một trong những lễ hội mùa Xuân lớn nhất miền Bắc, được tổ chức hàng năm vào tháng Ba âm lịch, thu hút đông đảo khách thập phương.

Tuy nhiên hiện nay, Quần thể di tích quốc gia này vẫn chưa có một ban quản lý chuyên trách, khiến hoạt động khai thác du lịch tâm linh ở đây đang bộc lộ những bất cập.

Các di tích thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy đều do cá nhân là những thủ nhang, đồng đền quản lý, khai thác. Tình trạng này tồn tại ở các đền, phủ trong hơn hai chục năm qua dẫn đến việc tranh giành khách, gây mất đoàn kết trong nhân dân.

Do thiếu vai trò quản lý Nhà nước, các thủ nhang coi phủ như nhà mình; đặc biệt hoạt động khai thác du lịch tâm linh ở đây đã và đang bị thương mại hóa.

Việc không có ban quản lý khiến cho công tác quản lý nguồn thu trở nên khó khăn. Cơ chế thu vẫn do Ủy ban Nhân dân xã Kim Thái khoán cho từng đền, phủ theo từng năm. Chẳng hạn, năm 2014, Phủ Tiên Hương phải nộp khoán khoảng 1 tỷ đồng, phủ Vân Cát nộp khoảng 400 triệu đồng...

Những năm 2008-2009, chính quyền huyện Vụ Bản từng ban hành quy chế quản lý nhưng không thành vì hầu hết giới thủ nhang không đồng tình do sợ ảnh hưởng đến quyền lợi.

Trước những bất cập đó, Huyện ủy và Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản đã tổ chức gần 70 cuộc họp lớn nhỏ để tìm cách tháo gỡ.

Tháng 5/2014, huyện thành lập Tổ biên tập với sự vào cuộc của các ban, ngành, sự phối hợp của Sở Tư pháp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng quy chế.

Đáng lưu ý, ngày 20/11/2014, Ủy ban Nhân dân huyện đã tổ chức cuộc họp công khai, dân chủ để lấy ý kiến cộng đồng dân cư xã Kim Thái (gồm cán bộ, đảng viên, Bí thư các chi bộ, Trưởng các thôn, cán bộ mặt trận, đại diện các thủ nhang) về dự thảo Quy chế. Tại đây, trong 85 phiếu phát ra chỉ có 5 phiếu không đồng ý, còn lại là nhất trí; thậm chí một số phiếu vừa nhất trí vừa đóng góp thêm ý kiến.

Ông Phạm Văn Quyết, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vụ Bản cho biết được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, sự phối hợp, tham gia tích cực của ngành văn hóa, tư pháp, bản dự thảo Quy chế (gồm 6 chương với 18 điều) liên quan đến quản lý và phát huy giá trị Quần thể di tích Phủ Dầy đã được xây dựng xong sau nhiều lần chỉnh sửa.

Mục đích của Quy chế là đổi mới công tác quản lý theo hướng giao cho cộng đồng tham gia quản lý, tránh tình trạng tư nhân hóa, góp phần ổn định trật tự xã hội, qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và nhân dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố gốc của di tích và quản lý tốt việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật.

Một trong những nội dung của Quy chế được đông đảo cộng đồng địa phương, các nhà quản lý và giới chuyên môn hưởng ứng là quy định về việc chọn cử người trụ trì (người trông coi, quản lý di tích) với nhiệm kỳ 5 năm.

Người được bầu cử làm trụ trì hay chủ từ phải là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, được nhân dân tín nhiệm, ưu tiên người đã có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích, có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Người ứng cử cũng phải có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích, về Lễ hội Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu; bản thân và gia đình họ thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người tham gia ứng cử lần đầu phải từ đủ 21 tuổi trở lên.

Trước thời điểm được ký ban hành, Quy chế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá tích cực. Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định khẳng định việc ban hành một quy chế quản lý, có sự tham gia của cộng đồng là cần thiết trong bối cảnh tỉnh Nam Định mới đây đã đại diện cho các địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hồ sơ đề cử “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Nam Định cũng dự định sớm lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể Di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy là Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Như vậy, nếu không quản lý bằng các quy chế, quy định, sẽ khó phát huy được giá trị của di tích.

Ông Trần Vũ Toán, thủ nhang Phủ Bóng, cũng đồng ý rằng khi có quy chế mới, các bến bãi sẽ được quy hoạch, sắp xếp lại, tránh tình trạng tranh giành khách, đánh nhau như những năm trước.

Cùng quan điểm đó, ông Trần Văn Cường, thủ nhang Phủ Vân Cát hoàn toàn nhất trí với chủ trương của huyện Vụ Bản. Theo ông, di tích của cộng đồng phải do cộng đồng tham gia quản lý, không thể để các cá nhân sở hữu di tích, hơn nữa tình trạng cá nhân coi di tích như nhà mình đang làm biến dạng di tích.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã xuất hiện những ý kiến trái chiều từ một số thủ nhang. Bà Trần Thị Huệ, thủ nhang Phủ Tiên Hương cho biết, gia đình bà đã bỏ nhiều công sức, tiền của trong hơn 20 năm qua để xây dựng Phủ Tiên Hương từ bãi đất hoang trở nên khang trang như ngày nay. Do vậy, gia đình bà phải được tiếp tục quản lý.

Ông Lê Hồng Lân, thủ nhang Lăng Mẫu tuyên bố Quy chế này không hợp lý, đồng thời yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Ông cho biết, gia đình ông đã bỏ ra nhiều tỷ đồng để xây dựng, tu bổ di tích Lăng Mẫu, đến nay vẫn nợ một khoản tiền lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục