Nam Định: Người trồng quất Tết lo thất thu vì tiêu thụ chậm

Do lo ngại dịch bệnh COVID-19, các chợ hoa Tết không được phép hoạt động, nhiều thương lái không về đặt mua buôn nữa, các nhà vườn tại Nam Định chỉ trông chờ vào lượng khách mua quất lẻ trong tỉnh.
Nam Định: Người trồng quất Tết lo thất thu vì tiêu thụ chậm ảnh 1Người trồng quất ở xã Nam Cường, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định chăm sóc quất. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên thời điểm này các nhà vườn trồng quất tại tỉnh Nam Định mới bán được khoảng 30-40% diện tích, người trồng quất đang thấp thỏm lo thất thu khi Tết đang cận kề.

Các cánh đồng trồng quất lớn tại xã Nam Phong, thành phố Nam Định như Vạn Diệp, Cộng Hoà, Vỵ Lương, Ngô Xá… thời điểm này rất thưa người đến xem, mua quất cảnh về chơi Tết.

Nếu như những năm trước, thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng một tháng, nơi đây tấp nập người mua, kẻ bán.

Những chiếc xe tải xếp hàng dài nối đuôi nhau vận chuyển quất đến các tỉnh, thành phố để tiêu thụ thì năm nay không khí khá trầm lắng.

Ông Đoàn Văn Sử, người trồng quất có tiếng tại thôn Vạn Diệp, cho biết những năm trước thông thường từ tháng 10-11 Âm lịch đã có nhiều thương lái về tận vườn đặt mua buôn để vận chuyển đi các tỉnh bán, nhưng năm nay do lo ngại dịch bệnh COVID-19, các chợ hoa Tết không được phép hoạt động, nhiều thương lái không về đặt mua buôn nữa, các nhà vườn tại đây phải trông chờ vào lượng khách mua quất lẻ trong tỉnh.

Năm nay, gia đình ông Sử trồng 300 cây quất loại 1 năm và 300 cây quất từ 2 năm trở lên. Do lượng khách mua giảm, gia đình cũng đã giảm giá bán từ 200.000-400.000 đồng/cây tùy loại to hay nhỏ song vẫn có rất ít người mua. Khách đến xem quất thưa thớt, trả giá xong rồi đi, đến thời điểm này ông Sử mới bán được khoảng 30% số lượng cây trong vườn.

[Hà Nội: Giá hoa đào, quất cảnh ít biến động dịp Tết Nhâm Dần]

Tại cánh đồng trồng quất ở thôn Cộng Hoà, số lượng người đến xem, mua quất ít. Các chủ vườn tại đây đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực đào quất, vận chuyển, giao hàng cho khách, giảm giá bán so với các năm song vẫn đang trong tình trạng đợi khách đến mua.

Ông Đỗ Hữu Hiếu, một người trồng quất lâu năm ở thôn Cộng Hoà cho hay, gia đình ông trồng 500 cây quất mini, hiện mới chỉ bán được 100 cây, nếu bằng thời điểm này mọi năm gia đình đã bán được khoảng 70% số lượng cây rồi.

"Người trồng quất đang đối mặt với bài toán thất thu vì giá giống cây, phân bón tăng, trong khi giá quất lại thấp. Hơn nữa, từ giờ tới Tết không biết có bán được hết số cây quất trong vườn hay không," ông Hiếu lo lắng.

Theo ông Hiếu, để có được một cây quất đẹp, sai quả đúng vào dịp Tết Nguyên đán 2022, ngay từ đầu năm 2021 ông phải sang Hưng Yên để mua cây giống về trồng rồi đầu tư tiền mua đất ải, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng với đó là công sức chăm sóc cả ngày ngoài đồng hàng năm trời, nhưng với giá quất hiện tại chỉ trên 400.000 đồng/cây (loại nhỏ) thì năm nay vườn quất nhà ông không có lãi.

Theo ông Nguyễn Văn Dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nam Phong, toàn xã có trên 200 ha đất trồng quất. Quất Nam Phong nổi tiếng khắp nơi bởi lá xanh, quả to, dáng đẹp nên rất được ưa chuộng.

Nam Định: Người trồng quất Tết lo thất thu vì tiêu thụ chậm ảnh 2Người trồng quất ở xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định tạo dáng, thế cho cây quất. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN)

Nhiều năm qua, quất Nam Phong được thương lái đặt hàng từ rất sớm để mang đi các tỉnh bán. Cây quất đã giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên lượng quất bán ra chậm, giá cả giảm, hy vọng những ngày sắp tới nhu cầu thị trường tăng cao để người dân bán được quất, đảm bảo nguồn thu.

Nhiều nhà vườn trồng quất tại các xã Nam Mỹ, Nam Toàn, huyện Nam Trực, thời điểm này cũng chỉ mới bán được khoảng 30-40% diện tích. Mặc dù nhiều chủ vườn đã giảm giá nhưng hiện vẫn có rất ít người đến đặt mua.

Không chỉ có quất truyền thống bị ảnh hưởng mà các nhà vườn trồng quất bonsai tại Nam Định cũng gặp khó khăn vì thị trường tiêu thụ giảm.

Ông Phạm Minh Châu ở xã Nam Toàn, huyện Nam Trực, cho biết gia đình ông trồng quất bonsai trên các chậu gốm sứ và trên gỗ lũa từ năm 2015 đến nay, thu nhập bình quân mỗi vụ Tết đạt trên 1 tỷ đồng.

Mọi năm từ đầu tháng 12 Âm lịch là đã có rất đông khách đến đặt mua nhưng năm nay lượng khách đến mua hàng giảm rõ rệt.

Ông Châu cũng như các chủ vườn quất tại tỉnh Nam Định đang hy vọng lượng khách mua dịp giáp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao để các hộ trồng quất không chỉ thu hồi được vốn mà còn có lãi sau những tháng ngày lao động vất vả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục