Nam Định: Ngao sạch Giao Thủy đang lấy lại thị trường

Sản phẩm ngao sạch Giao Thủy đang dần lấy lại thị trường nhờ nỗ lực xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường của doanh nghiệp.
Nam Định: Ngao sạch Giao Thủy đang lấy lại thị trường ảnh 1Thu hoạch ngao tại huyện Giao Thủy. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy (tỉnh Nam Định), cho biết sản phẩm ngao sạch Giao Thủy đang dần lấy lại thị trường.

Năm 2013, người nuôi ngao ở huyện Giao Thủy nhiều phen lao đao do ngao chết nhiều vì nắng nóng, rớt giá.

Tuy nhiên, nhờ nỗ lực xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường của các doanh nghiệp, thành viên Hiệp hội nuôi nhuyễn thể Giao Thủy, con ngao bắt đầu tìm lại chỗ đứng, với giá sản phẩm cũng cải thiện hơn.

Trong 11 tháng đầu năm nay, lượng ngao bán ra thị trường đạt khoảng 16.000 tấn, trong đó thị trường nội địa chiếm 50%, xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc chiếm 30%, số còn lại xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật... qua các doanh nghiệp chế biến ở miền Nam.

Trung bình mỗi người nuôi ngao Giao Thủy xuất đi thị trường khoảng 25 - 30 tấn ngao, ngày nhiều lên tới 50 tấn.

Theo ông Cửu, giá ngao đã nhích hơn, hiện ở mức 12.500 đồng/kg, tăng 1.250 đồng/kg so với hồi giữa năm, nhờ thị trường nội địa đã dần quen với sản phẩm ngao sạch Giao Thủy.

Theo dự kiến, sản lượng ngao của toàn huyện Giao Thủy ước đạt 26.000 tấn trong năm 2013.

Ông Cửu cho biết trước kia, ngao Giao Thủy chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, một phần sang Liên minh châu Âu (EU).

Ở thời điểm bán chạy, ngao có giá tới 25.00030.000 đồng/kg. Thế nhưng, thời gian gần đây, ngao không bán được vì Trung Quốc ngừng nhập, khiến giá giảm mạnh.

Người nuôi ngao hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ bị thua lỗ do giá thấp, tồn kho nhiều, trong khi vẫn phải trả lãi vốn vay ngân hàng.

Với 32 km bờ biển, huyện Giao Thủy có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, với tổng diện tích khoảng 1.700 ha, trong đó diện tích nuôi ngao chiếm hơn 1.500 ha với khoảng 1.600 hộ và tổ hợp sản xuất ngao giống và ngao thương phẩm.

Nghề nuôi ngao đem lại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục