Ngày 9/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
Với tinh thần dân chủ, các đại biểu đã tập trung thảo luận và biểu quyết, thống nhất giới thiệu 15 người (đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ nữ, lứa tuổi trẻ, người ngoài Đảng và người tái cử) để bầu 8 đại biểu Quốc hội khóa XV; trong đó, 3 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 5 đại biểu đang cư trú, làm việc tại địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định cũng giới thiệu 115 người và 1 người tự ứng cử (đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ nữ, người ngoài Đảng, người dưới 40 tuổi, chức sắc tôn giáo, đại biểu tái cử) để bầu 61 đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định Đoàn Văn Hùng nhấn mạnh bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra trong tháng 5 tới đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân nhằm lựa chọn, giới thiệu, bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp thật sự tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
[Ninh Thuận sẽ bầu 6 đại biểu Quốc hội và 50 đại biểu HĐND tỉnh]
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nam Định đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan cần chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử; đặc biệt là coi trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử, tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương ở Nam Định cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cần xây dựng phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử, kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối; đồng thời cần có kế hoạch chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, dịch bệnh có thể xảy ra trong thời gian diễn ra bầu cử./.