Lãnh đạo Ban Quản lý các Dự án Đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải) thông tin kể từ ngày 25/7, luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng (kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ) tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định dài 1,8km được đưa vào khai thác.
Cụ thể, khoảng 11 sáng 25/7, chiếc tàu trọng tải 1.000 tấn mang số hiệu NĐ-4002 từ sông Ninh Cơ đã lưu thông an toàn qua luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng vừa được xây dựng để tiếp tục hành trình tới cụm cảng Ninh Bình trên sông Đáy.
Toàn bộ hành trình, gồm cả việc qua âu tàu Nghĩa Hưng, chỉ mất khoảng 40 phút, rút ngắn được hơn 5 giờ so với lộ trình trước đây.
Khi các chủ tàu quen thuộc với phương thức vận hành của âu tàu Nghĩa Hưng thì thời gian qua luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng sẽ chỉ còn khoảng 30 phút.
Đây là chiếc tàu đầu tiên được lưu thông kể từ khi cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển Giao thông Vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ-Dự án WB6 do Ban Quản lý các Dự án Đường thủy làm chủ đầu tư được hoàn thành vào ngày 30/6 vừa qua.
Đại diện Ban Quản lý các Dự án Đường thủy cho biết đây là công trình công ích nên các chủ tàu không phải trả bất cứ khoản chi phí nào khi qua luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng.
[Đầu tư phát triển đường thủy nội địa cần khoảng 160.000 tỷ đồng]
Chỉ ít giờ trước khi chiếc tàu NĐ-4002 lưu thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký Quyết định số 888/QĐ-BGTVT về việc công bố mở luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký 25/7/2023.
Theo Quyết định số 888/QĐ-BGTVT luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng gồm luồng đường thủy nội địa cấp đặc biệt, có chiều dài 1,18km (điểm đầu tại Km8+300 sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; điểm kết thúc tại Km35+450 sông Đáy, thuộc phận xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) và công trình âu tàu Nghĩa Hưng có chiều dài 179m, rộng 17m, chiều dài hữu dụng 160m, cao trình đáy âu - 7m, cao trình đỉnh âu 10,5m được xây dựng bằng bêtông cốt thép có thể cho phép phương tiện thủy có trọng tải đến 3.000 DWT lưu thông.
Dự án WB6 là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh/thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong đó, cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ là hạng mục cuối cùng thuộc Dự án WB6 được triển khai thi công gồm các hạng mục: kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ; âu tàu Nghĩa Hưng; cầu vượt kênh nối Đáy-Ninh Cơ có tĩnh không 15m, kết cấu bêtông cốt thép bao gồm 18 nhịp dầm Super-T, chiều dài cầu 777,9m, chiều dài đường dẫn 1.497m; hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện và thông tin liên lạc…
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án WB6 là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang quá tải, ô nhiễm, ùn tắc và nhiều tai nạn.
Dự án WB6 có tổng mức đầu tư ban đầu là 200 triệu USD; trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới-WB là 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 30 triệu USD. Dự án gốc đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2016.
Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Chính phủ Việt Nam và WB đã ký Hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ.
Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD; trong đó vốn vay WB là 78.74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.
Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ được khởi công vào ngày 1/3/2021; hoàn thành vào ngày 30/6/2023.
Ông Dương Thanh Hưng, Giám đốc Ban Quản lý các Dự án Đường thủy cho biết, cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ là một hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6.
Sau khi hoàn thành cụm công trình này sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc, đặc biệt là cụm công nghiệp điện, đạm qua đó giảm chi phí logistics và giảm ô nhiễm môi trường./.