Nam Định: 107 triệu USD xây cụm công trình kênh nối sông Đáy-Ninh Cơ

Cụm công trình gồm kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ dài 1km, rộng đáy kênh 90-100m; âu tàu kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m, cầu vượt nối sông Đáy và sông Ninh Cơ tĩnh không 15m.
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Nam Định và đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện nghi thức động thổ xây dựng cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Nam Định và đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thực hiện nghi thức động thổ xây dựng cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Chiều 19/11, tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức động thổ xây dựng cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6).

Ông Dương Thanh Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường thủy (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các hạng mục chính của cụm công trình gồm: Xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ dài khoảng 1km, rộng đáy kênh 90-100m; xây dựng âu tàu kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m và cao độ đáy -7,0m; cầu vượt kênh nối sông Đáy và sông Ninh Cơ tĩnh không 15m, kết cấu bêtông cốt thép bao gồm 18 nhịp dầm Super-T, chiều dài cầu 777,9m, chiều dài đường dẫn 1.497m.

Điểm đầu Km31+285, điểm cuối km33+260 Tỉnh lộ 490C, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Ngoài ra còn có các hạng mục phụ trợ như hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, hệ thống thủy lợi, điện, thông tin liên lạc…

Dự án “Phát triển giao thông khu vực Đồng bằng Bắc Bộ” - WB6 là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía Bắc, thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.

Dự án WB6 là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang quá tải, ô nhiễm, ùn tắc.

Dự án gốc có tổng mức đầu tư 200 triệu USD; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới 170 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ 30 triệu USD, đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký Hiệp định bổ sung vốn cho dự án WB6 để đầu tư cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ.

Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ có tổng mức đầu tư trên 107 triệu USD; trong đó, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới hơn 78 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trên 28 triệu USD.

Nam Định: 107 triệu USD xây cụm công trình kênh nối sông Đáy-Ninh Cơ ảnh 1Ông Shigeyuki Sakaki, Trưởng ban Giao thông, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại lễ động thổ xây dựng cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ là một hợp phần quan trọng của Dự án WB6, sau khi hoàn thành cụm công trình này (dự kiến giữa năm 2022) sẽ phát huy hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu có trọng tải 2.000 tấn đầy tải và 3.000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Phúc (Ninh Bình).

Từ đó, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.

Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ chia làm 4 gói thầu xây lắp chính gồm: Xây dựng cầu qua kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu, đủ điều kiện khởi công; 3 gói thầu xây dựng âu và kênh dẫn đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 3/2021.

[Vĩnh Phúc: Khởi công xây cầu Đầm Vạc với tổng vốn đầu tư 612 tỷ đồng]

Việc triển khai cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.”

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật nhấn mạnh, cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ có vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương; kết nối tuyến đường thủy giữa Nam Định với cảng nước sâu và hệ thống đường thủy các tỉnh trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, vận tải hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mong muốn, chính quyền các cấp tỉnh Nam Định, đặc biệt là người dân các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng (trong vùng dự án) tạo mọi điều kiện giúp đơn vị thi công sớm hoàn thành đưa cụm công trình vào khai thác.

Ban Quản lý các dự án đường thủy, các nhà thầu và tư vấn giám sát trong quá trình triển khai thi công cần chú ý bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn lao động, an toàn giao thông, đảm bảo chất lượng, tiến độ công trình theo kế hoạch.

Ông Shigeyuki Sakaki, Trưởng ban giao thông, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thông tin, nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới là đối tác quan trọng trong các dự án giao thông vận tải tại Việt Nam.

Cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ là một phần của giải pháp kết nối tích hợp, cho phép các tàu biển trọng tải lớn tiếp cận hiệu quả hơn cảng Ninh Phúc từ luồng vào cửa Lạch Giang, sông Ninh Cơ và sau đó kết nối qua kênh với sông Đáy.

Khi cụm công trình hoàn thành, đi vào khai thác sẽ giảm khoảng 20 % thời gian di chuyển của tàu từ Nam Định đến cảng tại các tỉnh Ninh Bình, Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng..., giảm chi phí hậu cần, nhất là mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn cho người dân thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục