AFP đưa tin các cuộc bầu cử của Liên minh châu Âu (EU) đánh dấu sự thành công dành cho phái cực hữu, với sự nổi lên của đảng Xanh và sự thất bại của các đảng truyền thống ở khắp lục địa này.
AFP chọn lựa 5 điểm đáng chú ý khi kết quả sơ bộ được công bố ở châu Âu:
Cực hữu, dân túy tiến lên
Các kết quả và dự đoán ban đầu cho thấy đảng Liên minh Quốc gia cực hữu “lấy châu Âu làm trung tâm” của bà Marine Le Pen đang dẫn đầu ở Pháp, nhiều hơn phe cầm quyền của Tổng thống Emmanuel Macron từ 1,25-1,5% số phiếu bầu.
Tại Italy, Liên minh cực hữu của Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini cũng được kỳ vọng giành nhiều phiếu nhất và ở Bỉ, phái cực hữu vùng Flanders cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Đảng AfD cực hữu của Đức đã cải thiện điểm số của họ từ 7,1% năm 2014 và có thể lên 10,5% năm 2019.
[Kết quả bầu cử EP làm tăng khả năng Brexit không thỏa thuận]
Trước cuộc bầu cử, các quan chức EU lo sợ phái cực hữu có thể giành 200 trên tổng thống 751 ghế trong Nghị viện và Liên minh Quốc gia của bà Le Pen đã gọi hôm Chủ nhật vừa qua là sự hình thành một “nhóm quyền lực” mới trong Nghị viện châu Âu.
Nhưng các nhà quan sát nghi ngờ khả năng của những người theo chủ nghĩa dân túy có thể thành lập một liên minh hiệu quả và các khối trung hữu truyền thống có thể chào đón những thành viên của đảng Xanh và tự do tham gia một liên minh mở rộng để ngăn chặn mối đe dọa này.
Sự trỗi dậy của đảng Xanh
Các đảng chính trị bảo vệ môi trường đã thể hiện sự mạnh mẽ trên khắp châu Âu, phản ánh vấn đề biến đổi khí hậu quan trọng như thế nào trong chương trình nghị sự của họ khi các nhà hoạt động trẻ tuổi đảm nhận trọng trách này.
Tại Đức, đảng Xanh đang trên đường đánh bại đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả, đối tác liên minh của Thủ tướng Angela Merkel.
Các cuộc thăm dò cũng cho thấy đảng Xanh và sinh thái châu Âu của Pháp (EEVL) do cựu nhân vật hàng đầu thuộc đảng Hòa bình Xanh của Pháp đang có số điểm mạnh mẽ từ 12,5-12,7% so với 8,9% trong cuộc bầu cử EU năm 2014.
Thông qua các cuộc đình công ở trường học, sự bất tuân dân sự và các cuộc tuần hành quy mô lớn, các phong trào này đã thành công trong việc làm nổi bật hành vi của con người đe dọa đến tương lai của hành tinh như thế nào.
Cú đấm đối với các nhà lãnh đạo
Ông Macron đã không giấu giếm ý nghĩa của kết quả này và sự thể hiện của đảng ông có thể được nhìn nhận như một sự thất bại trên cương vị tổng thống khi ông mới đi chưa được nửa chặng đường trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Nhưng điện Elysee đã tìm cách thể hiện một bộ mặt dũng cảm khi nói rằng sự thể hiện này là “đáng được tôn trọng” sau khi các báo cáo chỉ ra rằng màn trình diễn tồi tệ có thể dẫn đến sự cải tổ nội các.
Đêm hôm đó cũng không có lợi cho bà Merkel, khi những cuộc thăm dò ngoài phòng phiếu cho thấy rằng danh sách khối trung hữu của bà chỉ có thể giành được khoảng 28% số phiếu ủng hộ.
Ở những nơi khác, các cử tri Hy Lạp đã loại bỏ đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras, đưa đảng này về nhì sau đảng Dân chủ mới của phe bảo thủ đối lập.
Tuy nhiên, một nhà lãnh đạo EU đang tỏ ra hạnh phúc là Thủ tướng theo chủ nghĩa dân tộc của Hungary, ông Viktor Orban, đảng Fidesz của ông đang trên đà giành chiến thắng lớn.
Bước nhảy đột ngột
Sau những lo ngại trước cuộc bầu cử rằng cử tri sẽ không tham gia bỏ phiếu, tỷ lệ cử tri trên khắp EU trừ nước Anh ước tính là 51%, cao nhất trong vòng 20 năm qua, Nghị viện EU cho biết.
Trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu tiên năm 1979, có 62% cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu ở 9 quốc gia thành viên. Kể từ đó, số lượng thành viên đã tăng lên 28 nước, nhưng số cử tri đi bỏ phiếu lại giảm dần, chỉ còn 42% năm 2014.
Anh với việc rời khỏi EU (Brexit)
Kể từ cuộc bầu cử châu Âu trước đó, các cử tri Anh đã quyết định rời khỏi EU và các cuộc bỏ phiếu trong tuần này có thể là lần bỏ phiếu cuối cùng cho các đảng phái ở Anh.
Ngày rời khỏi EU đã bị hoãn lại, châm ngòi một cuộc khủng hoảng cho chính phủ của Thủ tướng Theresa May, và đảng Brexit của ông Nigel Farage dự kiến sẽ hoạt động tốt.
Thông báo về kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu ở Anh sẽ được đưa ra khi đảng Bảo thủ cầm quyền chọn lựa người lãnh đạo thay thế bà May sau khi bà thông báo sẽ từ chức thủ tướng hôm 24/5 vừa qua.
Trong số những nhân vật nổi bật cho vị trí này, đáng chú ý nhất là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson, người ủng hộ nhiệt tình Brexit.
Điều này, cùng với sự thể hiện của các đảng phái thân EU, sẽ ảnh hưởng đến cuộc tranh luận ở các nước khác của EU về việc có nên thỏa hiệp với nước Anh về một thời hạn Brexit kéo dài khác nữa hay không./.