Nắm đất Điện Biên Phủ và tình yêu Việt Nam của những cựu binh Pháp

Mỗi lần đến thăm lại Điện Biên Phủ, ông Philippe de Maleissye đều mang về một chút đất từ nơi này, để dành tặng cho những đồng đội từng tham chiến tại Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của họ.
Cựu sỹ quan Philippe de Maleissye giới thiệu lọ đất và viên đá mà ông lấy về từ đồi A1, mà người Pháp gọi là Eliane 2, nơi đã từng diễn ra những cuộc chiến khốc liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Gần 70 năm đã trôi qua kể từ 57 ngày đêm kinh hoàng của chiến dịch Điện Biên Phủ, đa số các cựu binh Pháp tham chiến tại Đông Dương, đặc biệt ở chiến trường khốc liệt này, đều đã không còn nữa.

Họ và cả một số ít những đồng đội, dù còn sống cũng đã ngoài 90, đều có mong muốn mang theo mình một chút đất của Điện Biên và tình yêu với Việt Nam khi vào cõi vĩnh hằng. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp đã có dịp tìm hiểu câu chuyện này.

Tiếp chúng tôi tại trụ sở Hội cựu tù nhân Đông Dương của Pháp (ANAPI), tướng Philippe de Maleissye, Chủ tịch hội, hào hứng chỉ cho chúng tôi lọ đất và viên đá mà ông mới mang về sau chuyến thăm Việt Nam tháng trước.

Những hiện vật quý giá này được ông lấy về từ đồi A1, người Pháp gọi là Eliane 2, nơi đã từng diễn ra những cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với ông, những viên đất màu nâu tưởng vô tri này mang một ý nghĩa vô cùng to lớn vì những người lính Pháp đã đặt chân lên đó, chiến đấu vì nó. Do vậy, nó mang một ý nghĩa to lớn, chứa đựng cả tình yêu và kỷ niệm đau thương của những người lính Pháp đã từng tham chiến tại Việt Nam, đặc biệt là những người còn sống sót trở về từ chiến trường Điện Biên Phủ.

Gần 70 năm sau chiến dịch làm rúng động thế giới, những ký ức đau thương sâu nặng của họ ngày đó giờ đã thay thế bằng tình yêu đặc biệt dành cho mảnh đất này. Đến mức trước khi nằm xuống, những người lính Pháp chỉ mong được chôn cùng với một dúm đất mang về từ chiến trường Điện Biên năm xưa.

Và đó cũng là lý do mỗi lần đến thăm lại Điện Biên Phủ, ông Philippe de Maleissye đều mang về một chút đất từ nơi này, để dành tặng cho những đồng đội từng tham chiến tại Đông Dương, đáp ứng nguyện vọng cuối cùng của họ.

Cựu sỹ quan Philippe de Maleissye giới thiệu lọ đất và viên đá mà ông lấy về từ đồi A1, mà người Pháp gọi là Eliane 2, nơi đã từng diễn ra những cuộc chiến khốc liệt nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Ông Philippe de Maleissye giải thích: "Tôi lấy đất ở nơi đó về cho những người bạn của tôi, những người muốn có nó như một chứng tích của lịch sử, một kỷ vật của mảnh đất mà họ, cũng như nhiều người đồng đội khác, đã từng đặt chân, thậm chí hy sinh xương máu ở đó. Với lọ đất này, chúng tôi có thể đặt một ít vào trong quan tài một người lính đã từng tham chiến tại Điện Biên Phủ năm xưa, nơi đã diễn ra những trận đánh ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời họ và cũng là mảnh đất mà họ yêu quý."

Là cựu sỹ quan Quân đoàn nước ngoài, Tổng kiểm soát quân đội Pháp, tướng Philippe de Maleissye cũng là một chuyên gia về Điện Biên Phủ. Năm 2013, ông đã cho ra đời cuốn "tiểu thuyết sống," pha trộn giữa tài liệu và hư cấu, mang tên "La Vallée perdue" (tạm dịch là Thung lũng bị mất).

Câu chuyện dựa trên lời kể của Pierre Holinger, một cựu chiến binh đã đến Đông Dương năm 1954 và gia nhập tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam, nhảy xuống lòng chảo Điện Biên để tiếp viện cho quân đồn trú tại đó vào những tháng ngày cuối cùng khốc liệt nhất của chiến dịch 57 ngày đêm.

[Cảm nhận của cựu binh Pháp về tình yêu thương giữa hai dân tộc]

Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2013, ông Philippe de Maleissye đã nhanh chóng hiểu được tình yêu mà những người cựu binh Pháp dành cho đất nước và con người nơi đây. Bản thân ông cũng đã đến thăm Việt Nam 7 lần và gần đây nhất là chuyến thăm lại Điện Biên Phủ vào tháng trước.

"Nhân danh những cựu quân nhân Pháp ở Đông Dương mà tôi biết, tôi có thể nói rằng tất cả họ đều thích Việt Nam. Thậm chí có lẽ Việt Nam được họ yêu mến và ưu ái hơn tất cả các thuộc địa khác của Pháp lúc bấy giờ, từ Bắc Phi đến Nam Sahara, rồi cả Lào hay Campuchia. Việt Nam thực sự là một đất nước đáng yêu, với những người dân dễ thương, hiếu khách, vui vẻ và cần mẫn. Bản thân tôi cũng đã đến thăm Việt Nam 7 lần và tôi hiểu vì sao họ yêu đất nước này," ông khẳng định.

Ông Eric Fornal, Tổng thư ký ANAPI, cũng cho biết rõ thêm: "Tướng Philippe de Maleissye là người mang đất này về. Thông thường, mỗi khi chôn cất một cựu chiến binh, chúng tôi đặt trong quan tài hoặc lọ tro của họ một ít đất Điện Biên Phủ, như một lời vĩnh biệt, bởi vì đó là vùng đất đã ghi dấu ấn lịch sử và là nơi mà họ vô cùng yêu mến. Khi đặt nắm đất vào bên cạnh người đã khuất, tôi cảm thấy rất xúc động và thiêng liêng."

Những người cựu binh và thành viên Hội cựu tù nhân Đông dương (ANAPI) chia sẻ câu chuyện lịch sử, tình yêu Việt Nam và nguyện vọng được chôn cùng nắm đất Điện Biên của những cựu chiến binh Pháp. (Ảnh: Nguyễn Thu Hà/Vietnam+)

Nói về tình cảm của những người lính Pháp với Việt Nam, cũng như mong muốn được chôn cùng những hòn đất Điện Biên, ông Philippe Delarbre, đạo diễn phim Pháp, cũng chia sẻ tâm trạng đặc biệt này: "Dường như có một sợi dây liên kết bí ẩn, một khát khao được lắng nghe và thấu hiểu của những người lính Pháp từng tham chiến ở Điện Biên Phủ. Tại sao những người lính này, sau 60-70 năm lại muốn có một dúm đất của Điện Biên Phủ mang theo mình khi họ đi về nơi vĩnh hằng? Đó là vì đã có một tình cảm sâu sắc giữa những người lính Pháp với Việt Nam. Tôi nhận thấy tình cảm và sự gắn bó này khi tôi phỏng vấn đại tá Jacques Allaire để làm cuốn phim của tôi. Đó là thứ tình cảm duy nhất trên thế giới, mối quan hệ tình cảm vô cùng tốt đẹp và tinh tế giữa hai nước Pháp và Việt Nam. Tôi rất ấn tượng về điều đó."

Cuốn phim tài liệu "Diên Biên Phu 1954 - Le Sacrifice" (tạm dịch là Điện Biên Phủ 1954 - Sự hy sinh), đã được đạo diễn Philippe Delarbre thực hiện năm 2014 theo lời kể của đại tá Jacques Allaire, cựu sỹ quan nhảy dù của tiểu đoàn Bigeard tham chiến tại Điện Biên Phủ. Với ông, cuốn phim như một lời tưởng niệm cho một giai đoạn bi tráng trong lịch sử nước Pháp.

"Tôi muốn kêu gọi xây dựng tình hữu nghị giữa những người lính Pháp và Việt Nam. Xưa kia chúng ta có thể là huynh đệ tương tàn, nhưng giờ đây nó được thay thế bằng tình anh em tri kỷ. Tôi cầu mong điều này, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, trong thời đại bất định mà chúng ta đang sống, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một nền tảng mới dựa trên tình anh em giữa Việt Nam và Pháp, vượt lên trên các vấn đề chính trị và quân sự, trở thành cầu nối giữa châu Á và phương Tây. Điều đó rất quan trọng," nhà làm phim Philippe Delarbre nhấn mạnh.

Với tư cách là tổng thư ký của ANAPI, anh Eric Fornal cũng mong muốn tiếp tục sự nghiệp của các lớp đàn anh đi trước, lưu giữ ký ức về những cựu binh, tù binh Đông Dương, đặc biệt là về Điện Biên Phủ, chuyển tải thông điệp hòa bình đến giới trẻ, đồng thời giúp họ hiểu được sự khốc liệt của chiến tranh, sức chịu đựng, sự dũng cảm của những người lính Pháp, cũng như tình yêu của họ đối với Việt Nam.

Đó cũng là lý do ANAPI tập hợp không chỉ những cựu chiến binh hay cựu tù nhân Đông Dương mà cả gia đình, con cháu họ, và tất cả những ai yêu Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục