Huyện Nam Đàn, Nghệ An đang hướng phát triển du lịch lịch sử văn hóa Đền vua Mai gắn với du lịch sinh thái.
Định hướng này vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa lễ hội Đền vua Mai vừa phát triển các hình thức du lịch tham quan mạo hiểm như leo núi, cáp treo vượt sông Lam, cắm trại, nghỉ dưỡng, thưởng thức các món ăn đặc sản.
Đền thờ và Lăng mộ Vua Mai là một cụm di tích lịch sử-văn hóa tiêu biểu trong hệ thống di tích lịch sử-văn hóa, di tích cách mạng, khu tưởng niệm danh nhân (khu di tích đặc biệt Kim Liên, nhà tưởng niệm Phan Bội Châu…) của Nam Đàn, Nghệ An.
Bởi vậy, du khách đến với lễ hội Đền vua Mai không những được thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần mà còn có điều kiện đến với những cảnh quan, thắng tích của miền “thủy tú, sơn thanh” xứ Nghệ.
Nam Đàn là miền “thắng địa,” cảnh quan kỳ vĩ, có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, huyện xây dựng quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch để hình thành tour, tuyến nội huyện.
Trong đó, tiểu vùng du lịch Đền thờ và mộ vua Mai Hắc Đế được gắn kết với các điểm du lịch tiêu biểu trong vùng như Khu di tích đặc biệt Kim Liên, Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, chùa Viên Quang, thành Lục Niên, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, mộ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp gắn với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng như hồ Trang Đen, hồ Vệ Nông, đập Đá Hàn, đập Hồ Thành…; kết hợp thưởng thức ẩm thực với những món ăn ngon đã trở thành thương hiệu nổi tiếng của Nam Đàn như bánh đúc, thịt me Nam Nghĩa, thịt dê Cầu Đòn, hến Sông Lam, tương Nam Đàn.
Với tiềm năng đó, thời gian tới huyện Nam Đàn sẽ hình thành tuyến du lịch hấp dẫn bằng việc xây dựng cáp treo từ đỉnh núi Đụn Sơn, bắc qua dòng Lam Giang sang khe Bò Đái.
Hình thức du lịch này vừa quảng bá được hình ảnh của miền quê Nam Đàn huyền thoại và lịch sử, vừa có thêm kinh phí để trùng tu di tích. Huyện cũng khuyến khích đầu tư các hợp tác xã vận tải để đưa khách đi tham quan nội huyện. Trong đó, ưu tiên các loại hình vận tải thân thiện với môi trường như xích lô, xe ngựa, du thuyền trên sông Lam…
Hiện nay, hệ thống đường giao thông tại huyện Nam Đàn ngày càng được nâng cấp và mở rộng tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho việc tham quan của du khách thập phương và nhân dân.
Huyện cũng đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch, nhất là các đặc sản của địa phương như hàng nông sản, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm. Huyện không ngừng mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Lễ hội Đền vua Mai là sự tái hiện sinh động của một thời đại lịch sử cách ngày nay gần 13 thế kỷ. Trong những thập niên đầu thế kỷ VIII, cuộc khởi nghĩa do Mai Thúc Loan ở xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, lãnh đạo đã bùng nổ và phát triển rộng khắp trên phạm vi cả nước.
Cuộc khởi nghĩa đã lật đổ ách đô hộ của nhà Đường. Triều đình Vạn An ra đời, Mai Thúc Loan xưng Đế, xây dựng bộ máy chính quyền và tổ chức kháng chiến chống lại nhà Đường. Tuy tồn tại trong khoảng 10 năm nhưng cuộc khởi nghĩa Hoan Châu được đánh giá là một trong cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất so với các cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc của nhân dân ta.
Để tưởng nhớ công ơn Mai Hắc Đế và các tướng sỹ, nhân dân các tỉnh, thành như Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng và Hà Nội đã lập đền thờ, lăng, miếu, mộ. Các di tích đó có từ lâu đời với những nét kiến trúc độc đáo, đồ sộ, uy nghiêm, vừa có tính lịch sử vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Hàng năm cứ vào rằm tháng Giêng, nhân dân Nghệ An đều tổ chức Lễ hội Đền vua Mai với những hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc để tỏ lòng thành kính, ngưỡng mộ công đức vua Mai và các tướng sỹ, đồng thời vừa để giáo dục truyền thống yêu đất nước, quê hương cho thế hệ trẻ.
Thông qua lễ hội Đền vua Mai, các loại hình văn hóa dân gian xứ Nghệ nói chung, Nam Đàn nói riêng càng có thêm điều kiện thuận lợi để duy trì và phát triển liên tục.
Cùng với thời gian, các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được củng cố, hoàn thiện như hội vật, hội đua thuyền, đánh đu, leo cột mỡ, đi cầu kiều, cướp cờ, đánh cờ người, hát chầu văn, hát ví, diễn tuồng, chèo, múa đèn, múa cửa đình.
Từ lễ hội, một số loại hình văn học dân gian ở Nam Đàn như hát phường vải, ca dao, hò vè và chuyện kể dân gian đã đến được với cộng đồng, quảng bá tới du khách gần xa./.