Nam Cực - mục tiêu địa chính trị tiếp theo của Trung Quốc

Nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc có tham vọng với Bắc Cực; đầu tiên là Chiến lược Bắc Cực 2018 của Bắc Kinh, trong đó tự tuyên bố là cường quốc “gần Bắc Cực,” vạch ra “Con đường Tơ lụa Địa cực.”
Nam Cực - mục tiêu địa chính trị tiếp theo của Trung Quốc ảnh 1(Nguồn: scmp)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin, nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc có tham vọng đối với Bắc Cực.

Đầu tiên là Chiến lược Bắc Cực 2018 của Bắc Kinh, trong đó Trung Quốc tự tuyên bố là cường quốc “gần Bắc Cực,” đồng thời vạch ra “Con đường Tơ lụa Địa cực.”

Kể từ thời điểm đó, mặc dù cách Vòng Bắc Cực gần 2.000 dặm, Bắc Kinh vẫn tích cực thúc đẩy chiến lược này trên các diễn đàn quốc tế thông qua hoạt động đầu tư tại những quốc gia Bắc Cực thực sự, đồng thời rốt ráo xây dựng một hạm đội tàu phá băng vùng cực.

Các chính phủ phương Tây đã chú ý tới điều này. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lưu ý: “Mô típ hành xử hung hăng của Trung Quốc tại các nơi khác sẽ cho thấy quốc gia này hành xử như thế nào tại Bắc Cực.”

Mặc dù mưu đồ của Bắc Kinh đối với Bắc Cực khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại, song âm mưu của quốc gia này đối với Nam Cực vẫn ít người biết đến. Đây là một sai lầm bởi tham vọng Nam Cực của Trung Quốc, về mọi mặt, cũng nguy hiểm tương tự như tham vọng của nước này ở cực Bắc của Trái Đất.

Hơn nữa, vấn đề này ngày càng nghiêm trọng hơn khi cả Mỹ và những đồng minh thân cận nhất gần Nam Cực-New Zealand và Australia - hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh đang làm gì trên thực địa.

Theo các điều khoản của Hiệp ước Nam Cực 1959, Nam Cực được coi là tài sản chung toàn cầu, được bảo tồn “chỉ vì các mục đích hòa bình.” Như vậy, “mọi hành động mang tính quân sự” đều bị cấm và mọi tuyên bố chủ quyền đối với lục địa này đều không được thừa nhận.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều là những quốc gia tham gia ký kết hiệp ước trên và phụ lục quan trọng nhất của hiệp ước, Nghị định thư Madrid 1991, trong đó cấm vĩnh viễn các hoạt động khai khoáng, bảo vệ hệ động thực vật đặc hữu của lục địa này cũng như bảo tồn Nam Cực cho hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đem lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.

[Bắc Cực - Sàn đấu nóng trong cuộc cạnh tranh cường quốc]

Cơ chế thi hành Hiệp ước Nam Cực và các nghị định thư liên quan là một hệ thống giám sát trong đó các quốc gia tham gia ký kết sẽ thực hiện các chuyến thăm viếng định kỳ tới các trạm tại Nam Cực, vốn được duy trì bởi khoảng 30 quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này không những không được tiến hành thường xuyên mà còn không đầy đủ, dẫn tới việc chưa thị sát được một số trạm trong số 5 trạm nghiên cứu của Trung Quốc tại Nam Cực, tính tới thời điểm hiện tại.

Trạm Kunlun, trạm xa thứ 2 nằm tại phía Nam của lục địa này, nằm ở Vòm A (Dome A), một cấu trúc băng cao nhất của Nam Cực. Như những gì Anne Marie Brady viết trong cuốn sách “Trung Quốc-Một siêu cường địa cực” năm 2017, Bắc Kinh đã sử dụng một số căn cứ tại Nam Cực làm trạm thu tín hiệu vệ tinh và kính viễn vọng công suất lớn và cả hai đều có ứng dụng trong quân sự.

Tuy nhiên, sau khi Trạm Vạn lý Trường Thành gần Nam Mỹ được thị sát bởi Chile và Argentina năm 2015, kể từ đó đến nay không một trạm nào của Trung Quốc bị kiểm tra thêm nữa.

Australia, quốc gia có những lợi ích lớn tại Nam Cực, thực hiện hoạt động thị sát Nam Cực lần cuối cùng vào năm 2016 và lựa chọn kết thúc quá trình kiểm tra tại một căn cứ của Mỹ. New Zealand, một cường quốc Nam Cực khác, thực hiện hoạt động thị sát lần cuối vào giữa những năm 2000.

Đáng báo động nhất là Mỹ không hề có hoạt động kiểm tra căn cứ thực tế nào kể từ năm 2011. Hoạt động của Mỹ bị cản trở do thiếu các tàu phá băng có thể hoạt động tại vùng cực, trong khi đây là điều kiện tiên quyết để tiếp cận các khu vực địa lý khó có thể đi tới của Nam Cực.

Trong suốt nhiệm kỳ, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump nhận ra những thách thức mà Mỹ phải đối mặt tại các khu vực địa cực và bắt đầu thuê 2 tàu phá băng do nước ngoài sản xuất, đồng thời thiết lập chương trình Tàu An ninh Địa cực nhằm cung cấp tàu phá băng mới cho Lực lượng Tuần duyên. Tuy nhiên, trong khi Bắc Cực nhận được phần lớn sự chú ý của Washington, Nam Cực lại đang cần thêm rất nhiều tài nguyên.

Nam Cực - mục tiêu địa chính trị tiếp theo của Trung Quốc ảnh 2(Nguồn: nationalinterest)

Tham vọng quân sự của Trung Quốc tại Nam Cực đang ngày càng tăng lên. Việc Trung Quốc xây dựng một sân bay thường trực tại Nam Cực năm 2018, mở rộng quy mô hạm đội tàu phá băng và việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tăng cường nhân lực tại các trạm nghiên cứu là những ví dụ cho thấy mục đích quân sự của Bắc Kinh.

Tại trạm Zhongshan, các chuyên gia PLA đã giúp thiết lập một trạm radar cho phép can thiệp vào hoạt động của các vệ tinh vùng cực của Mỹ. Trung Quốc đã không báo cáo bất kỳ hoạt động nào của PLA cho các quốc gia đồng tham gia hiệp ước và điều này chính là một sự vi phạm Hiệp ước Nam Cực.

Trung Quốc cũng đồng thời mở rộng tham vọng kinh tế đến Nam Cực. Trái ngược với luật pháp quốc tế, rất nhiều chuyên gia Trung Quốc tin rằng Nghị định thư Madrid sẽ hết hiệu lực vào năm 2048, cùng với đó là lệnh cấm đối với hoạt động khai khoáng tại Nam Cực. Điều này khiến giới chức Bắc Kinh công khai suy đoán Nam Cực sẽ trở thành một nguồn tiềm năng cung cấp đất hiếm, dầu mỏ và khí đốt, cùng các tài nguyên khác. 

Chính quyền Tổng thống Biden có cơ hội để đẩy lùi tham vọng của Bắc Kinh tại Nam Cực và khẳng định với các thể chế quốc tế rằng Washington cam kết sẽ “trở lại.”

Tiếp tục các chương trình thuê và đóng mới tàu phá băng vùng cực là điều kiện tiên quyết để thực hiện các hoạt động thị sát hiệu quả. Hệ thống Hiệp ước Nam Cực chỉ có thể duy trì hiệu quả khi buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm về các hoạt động quân sự của mình và phát giác thêm các hành vi vi phạm mới.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng có thể gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của cộng đồng quốc tế đối với việc bảo tồn hệ sinh thái Nam Cực, bằng cách thể hiện rõ ý định duy trì hiệu lực những điều khoản then chốt của Nghị định thư Madrid sau năm 2048. Đối với Nam Cực, Trung Quốc không được phép làm những điều mà quốc gia này đã làm từ Châu thổ sông Mekong tới châu Phi Hạ Saharan.

Như những gì Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles đã viết tại thời điểm quá trình đàm phán Hiệp ước Nam Cực đang diễn ra, Mỹ luôn có lợi ích bất di bất dịch trong việc giữ cho Nam Cực luôn ở “trong tay người tốt.” Washington và các đồng minh cần hành động ngay để đảm bảo điều đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục