Trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020. Cùng với đó, Việt Nam còn đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây vừa là niềm vinh dự vừa là trọng trách lớn.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Nguyễn Quốc Dũng đã trao đổi với báo chí về vai trò, vị thế của Việt Nam với vai trò kép năm 2020.
- Năm 2020 là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, lần đầu tiên vào năm 2010. Ông đánh giá như thế nào về bối cảnh khu vực và vị thế Việt Nam trong lần thứ hai Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: So với 10 năm trước, việc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam đã khác trước nhiều. ASEAN hiện đã trở thành Cộng đồng, giữa cộng đồng và tổ chức liên chính phủ có bản chất rất khác nhau.
Cùng với đó, bối cảnh quốc tế hiện cũng khác nhiều so với 10 năm trước. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, tương quan lực lượng, sự cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ giữa các nước lớn tác động rất nhiều chiều đối với ASEAN, đặt ra nhiều thách thức mà ASEAN phải thích ứng.
Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này cũng đem lại những cơ hội cho ASEAN, ví dụ như từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Bởi vậy, năm 2020, đất nước chúng ta thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN với một điều kiện khác, thế và lực cũng khác, có thuận lợi mới nhưng cũng có khó khăn mới.
- Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò kép khi vừa là Chủ tịch ASEAN 2020, vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Theo ông, vai trò này sẽ đóng góp gì cho Cộng đồng ASEAN hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Đảm nhận hai vai trò cùng lúc có nghĩa là công việc sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn, nhưng cũng có những thuận lợi, vì hai vai trò này mang tính bổ trợ cho nhau. Các nước trong Cộng đồng ASEAN cũng là thành viên của Liên hợp quốc, phải thực hiện nhiệm vụ và triển khai nghị quyết của Liên hợp quốc. Các quốc gia này cũng có vai trò đóng góp vào công việc của Liên hợp quốc.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta có thể tập hợp để tạo được sự đồng thuận, từ đó, trọng lượng tiếng nói của Việt Nam ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sẽ mạnh hơn.
Ngược lại, những chương trình, kế hoạch của Liên hợp quốc sẽ được ASEAN triển khai tốt hơn; kế hoạch của ASEAN sẽ đồng bộ hơn với mục tiêu, kế hoạch của Liên hợp quốc.
- Là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ có đóng góp gì cho Cộng đồng ASEAN nhằm thúc đẩy diễn đàn đa phương, ngày càng nâng cao vai trò của ASEAN, một cộng đồng đoàn kết, vững mạnh và thống nhất?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Hiện nay chủ nghĩa đa phương cũng gặp nhiều thách thức. Việt Nam cùng với các nước trong Cộng đồng ASEAN đang cố gắng duy trì chủ nghĩa đa phương, duy trì tự do thương mại, hệ thống thương mại đa phương trong khu vực.
Chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2020 được xác định là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng,” thể hiện mong muốn của chúng ta có một ASEAN đứng vững trước các tác động của tình hình khu vực và thế giới.
Để làm được điều đó, ASEAN cần phát huy vai trò trung tâm. Muốn phát huy vai trò trung tâm thì các thành viên ASEAN phải đoàn kết, thống nhất, vì thế vai trò của nước Chủ tịch là rất quan trọng.
Đây chính là những ưu tiên mà Việt Nam muốn ASEAN gắn kết về mọi mặt, cả về thể chế, kinh tế, cũng như con người, từ đó ASEAN có được lập trường chung, lợi ích chung, ứng xử nhất quán với các vấn đề thế giới và khu vực.
- Xin Thứ trưởng cho biết công tác chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 tính đến thời điểm này và đâu là những ưu tiên cho vai trò này của Việt Nam?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên gồm: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh...
Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.
Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.
Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.
Công việc của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là rất nhiều, nhưng với công tác chuẩn bị từ sớm trong tất cả các khâu, từ chuẩn bị về mặt tổ chức, con người đến nội dung đều triển khai đúng tiến độ và yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, nhiều điều còn ở phía trước, do đó thách thức vẫn còn rất nhiều với Việt Nam trong năm 2020.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.