Nắm chắc thời cơ để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thủy sản

Đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Cá ngừ đại dương là mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu thủy sản liên tục đi xuống, cộng với dịch COVID-19 càng khiến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm mạnh. Nhu cầu các thị trường đang dần phục hồi trở lại sau khi một loạt các nước nới lỏng lệnh giãn cách xã hội.

Đa dạng hóa sản phẩm, thích ứng nhanh với biến động của thị trường là những yếu tố giúp tạo động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, hai mặt hàng thủy sản chính của Việt Nam là cá tra và tôm đều có sự giảm sút khá mạnh với mức hai con số. Xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVD-19, điều này tác động ngược trở lại với sản xuất cá tra trong nước. Giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long đầu năm nay liên tục giảm, khó tiêu thụ.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhu cầu nhập khẩu cá tra tại thị trường Trung Quốc - thị trường lớn nhất, chiếm 22,5% tổng giá trị xuất khẩu cá tra đang phục hồi trở lại. Tuy nhiên, tại các thị trường khác vẫn còn bị ảnh hưởng của dịch.

VASEP nhận định ít nhất hết quý 2/2020, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều chưa thể vượt lên mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, để thích ứng với thị trường, người nuôi và doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì việc chủ động cân đối sản lượng nuôi và sản xuất, chế biến.

[Gỡ khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng cá ngừ]

VASEP dự báo trong 5 năm tiếp theo (2020-2025) Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU vẫn là những thị trường tiêu thụ quan trọng cá tra Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng giá trị xuất khẩu cá tra. Mặc dù liên tục có nhiều biến động, tuy nhiên 3 thị trường này chứng tỏ sự ổn định khá cao về cả sản lượng và giá trị.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng chất lượng và các yêu cầu về an toàn thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường này ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, cá tra Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu thị trường trên toàn chuỗi, cụ thể như việc công nhận tương đương của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đối với ngành cá tra Việt Nam.

Ngoài ra, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo kết quả chính thức của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2017 đến ngày 31/7/2018 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Theo đó, mức thuế dành cho các doanh nghiệp hợp tác đã giảm đi đáng kể, lần này (POR15) là 0,15 USD/kg, so với đợt trước (POR14) là 1,37 USD/kg.

Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam như Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông... vẫn tiếp tục được hưởng mức thuế 0%.

Đây là thông tin tích cực đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ tác động đến ngành nuôi cá trong nước.

Trong quý I/2020, mặt hàng tôm có sự tăng trưởng nhẹ nhưng tháng 4 lại có sự sụt giảm mạnh bởi tác động của dịch COVID-19. Tuy nhiên, cơ hội đối với tôm hay các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam cũng rất cao từ các thị trường và có thể tranh thủ tận dụng cơ hội thời kỳ hậu dịch.

Nhiều mặt hàng thủy sản đang được kỳ vọng sẽ tăng tốc, mở ra sự tăng trưởng mới vào thị trường EU khi Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào giữa năm nay. Bởi khi đó, hầu hết tôm nguyên liệu nhập khẩu vào EU sẽ được giảm mức thuế cơ bản từ 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm. Hay với cá tra, thuế nhập khẩu sẽ được giảm từ mức hiện tại 5,5% xuống 0% trong 3 năm đối với cá phi lê đông lạnh và từ 7% xuống 0% trong 7 năm đối với cá phi lê đã chế biến.

Với thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 2 của Việt Nam là Hoa Kỳ, thị trường này dự kiến vẫn có nhu cầu nhập khẩu tôm nuôi ở mức cao. Trong khi đó, những đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ như Ấn Độ, Ecuador… vẫn còn gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. VASEP khuyến nghị doanh nghiệp nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng, thay đổi quy cách đóng gói để phù hợp với phân khúc bán lẻ.

Bên cạnh đó, nếu dịch COVID-19 được giải quyết cơ bản vào cuối quý 2/2020, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ tận dụng cơ hội. Xuất khẩu tôm sang các thị trường có xu hướng khả quan hơn khi nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ sẽ tăng, giá xuất khẩu cũng sẽ hồi phục. VASEP dự báo xuất khẩu tôm sẽ hồi phục và dự kiến sẽ tăng nhẹ khoảng 3-4% so với năm 2019, đạt 3,45-3,5 tỷ USD.

Với các mặt hàng hải sản, hiện giá dầu giảm mạnh so với cuối năm 2019 với mức giảm 35% đã khiến ngư dân tích cực khai thác hải sản ở tất cả các vùng biển. Tuy nhiên, một số mặt hàng hải sản, nhất là cá ngừ, vẫn bị thiếu hụt cho chế biến do gặp khó khăn trong nhập khẩu nguyên liệu bởi dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn nhận được đơn hàng cá ngừ hộp, nhưng không thu mua đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

VASEP dự báo, nhu cầu hải sản có xu hướng giảm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng EU và Mỹ có nhu cầu nhiều về phân khúc đồ hộp. Một số doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp vì đón nhận được xu hướng nhu cầu của châu Âu và ưu đãi từ EVFTA. Do vậy doanh nghiệp cần tập trung sản xuất đồ hộp, hàng chế biến sẵn, giá cả phù hợp để đáp ứng nhu cầu gia tăng tại các thị trường bị ảnh hưởng dịch nhiều như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tuy nhiên, do tác động của giãn cách xã hội, nguồn nguyên liệu trong nước thiếu hụt nghiêm trọng, việc nhập khẩu và xuất khẩu đều gặp khó, do đó doanh nghiệp hải sản khó có thể gia tăng xuất khẩu trong quý 2, quý 3 năm nay.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, ngành sẽ cùng địa phương nâng cao chất lượng con giống bằng cách tăng cường kiểm tra điều kiện và cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất ương dưỡng giống thủy sản; theo dõi, giám sát đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Ngành tổ chức đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu; nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả để người dân áp dụng.

Do ảnh hưởng của dịch nên xu hướng tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản sẽ có những thay đổi. Các thị trường sẽ tăng cường nhập khẩu thủy sản đông lạnh, tiện dụng, dễ chế biến tại nhà cao hơn so với sử dụng thủy sản tươi sống. Sản phẩm thủy sản đóng hộp, chế biến sẵn cũng sẽ được ưa chuộng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản chế biến sẵn bảo quản đông lạnh, sản phẩm thủy sản đóng hộp và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhập khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của các địa phương, kịp thời điều chỉnh mùa vụ, yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát tàu cá tại cảng, đảm bảo phòng chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, khai thác.

Bộ đề nghị cơ quan quản lý chuyên ngành, hiệp hội ngành hàng chủ động xây dựng các phương án, kịch bản xuất khẩu nông, thủy sản đáp ứng nhu cầu tăng cao khi hết dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch tại các thị trường chính, truyền thống, đồng thời tận dụng cơ hội xuất khẩu hải sản ngay khi dịch được kiểm soát và thị trường nhập khẩu mở cửa trở lại, tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do để nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục