Nam Bộ: Tín ngưỡng Đạo thờ Mẫu-bản sắc và giá trị dân tộc

Nam Bộ: Tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu-bản sắc và giá trị dân tộc

Truyền thống thờ Mẫu thể hiện quan điểm giải thoát người phụ nữ Việt Nam ra khỏi thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.
 Nam Bộ: Tín ngưỡng thờ Đạo Mẫu-bản sắc và giá trị dân tộc ảnh 1 Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam tại thị xã Châu Đốc, An Giang (Nguồn: TTXVN)

Ngày 26/4, tại An Giang, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội - Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao - Du lịch tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học ''Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ, bản sắc và giá trị.''

Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh và nhân dân tham dự.

Hội thảo đã nghe 40 báo cáo tham luận về các nội dung: ''Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn; Diễn xướng và nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ; Tín ngưỡng thờ bà Chúa Xứ ở Nam Bộ; Tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu ở Nam Bộ và Tín ngưỡng thờ các nữ thần khác, Tín ngưỡng nữ thần ở Nam bộ nhìn từ góc độ giao lưu tiếp biến văn hóa, Diễn xướng ở lễ hội cúng miếu Bà; Tín ngưỡng bà Chúa Xứ với trọng điểm du lịch, hành hương núi Sam - Châu Đốc...''

Các tham luận đã khẳng giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất Nam bộ, thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần tín ngưỡng tâm linh, không mê tín dị đoan của đại bộ phận các dân tộc người Việt, Hoa, Khmer cùng sống.

Theo nhận định của các nhà khoa học, tín ngưỡng thờ mẫu lấy từ việc tôn thờ Mẹ.

Truyền thống thờ Mẫu thể hiện quan điểm giải thoát người phụ nữ Việt Nam ra khỏi thành kiến, ràng buộc của xã hội Nho giáo phong kiến.

Tín ngưỡng thờ mẫu nghi lễ dân gian mang bản sắc cộng đồng làng và mở rộng thành bản sắc Việt Nam cùng với các loại diễn xướng dân gian mang tính nghệ thuật sâu sắc và thiêng liêng.

Hội thảo còn làm rõ về việc Thờ thánh Mẫu ở vùng đất Nam bộ mang ý nghĩa cộng đồng tín ngưỡng sâu sắc, hiện đã phổ biến khắp vùng đất Nam bộ, là sự giao lưu văn hóa giữa người Việt - Hoa, Khmer, trong đó cư dân người Việt chiếm đa số nhưng không có sự bảo thủ, các nữ thần của các dân tộc khác có thể thờ cúng chung với nữ thần người Việt với thái độ tôn trọng, có vị trí ngang nhau, không phân biệt ngôi thứ cao thấp.

Vì vậy, tín ngưỡng nữ thần ở Nam Bộ còn mang giá trị tinh thần truyền thống, tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục