Năm Ất Mùi: Vĩ mô ổn định mở đường cho chứng khoán tăng trưởng

Theo nhận định chung từ giới chuyên gia, với xu hướng kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đang dần ổn định, từ đó ngành chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để tăng trưởng trong năm Ất Mùi.
Năm Ất Mùi: Vĩ mô ổn định mở đường cho chứng khoán tăng trưởng ảnh 1Thị trường chứng khoán kỳ vọng những cơ hội đầu tư trong năm Ất Mùi. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Kinh tế vĩ mô trong nước đã dần ổn định, kinh tế toàn cầu cũng phát đi những tín hiệu khởi sắc, do đó từ nhà quản lý đến các thành viên trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều có chung quan điểm lạc quan, năm Ất Mùi, thị trường này sẽ tăng trưởng cả về quy mô và thanh khoản.


Kinh tế vĩ mô sáng hơn

Tính đến hết năm 2014, chỉ số VN-Index đứng ở mức 545,63 điểm, tăng 8,1% và chỉ số HNX-Index đứng ở mức 82,98 điểm tăng 22,3% so với năm 2013. Mức vốn hóa thị trường đạt 1.121 nghìn tỷ đồng, tăng 172.000 tỷ đồng so với cuối năm 2013, tương ứng 31% GDP (trong đó, vốn của sàn HoSE chiếm 88%).

Sang đến năm 2015, diễn biến thị trường có nhiều biến động. Song những phiên giao dịch cuối cùng của năm Giáp Ngọ, tâm lý nhà đầu tư đã có những chuyển biến tích cực bằng các hoạt động tích lũy tại nhóm cổ phiếu blue-chip, nhờ đó chốt phiên (13/2) chỉ số VN-Index đã đứng tại mốc 587,24 điểm và HNX-Index cũng đi lên và đóng cửa tại mốc 85,26 điểm.

Thanh khoản tương ứng trên hai sàn, HoSE đạt xấp xỉ 32,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị khoảng 403,3 tỷ đồng và tại sàn HNX giao dịch đạt 73,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 1.210,8 tỷ đồng.

Những thành tích đạt được của thị trường chứng khoán năm qua sẽ là tiền đề tích cực cho đà đi lên của năm tiếp theo.

Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, năm Ất Mùi, thị trường chứng khoán sẽ có những hậu thuẫn tốt hơn từ những tín hiệu khởi sắc, như những dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế về tăng trưởng toàn cầu 2015 có thể đạt 3,5% (cao hơn mức dự báo 3,3% từ năm 2014).

Trong nước, ông Bằng cho rằng, kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục ổn định và có sự phục hồi cao hơn trong năm 2015, các yếu tố lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất thấp và vốn đầu tư nước ngoài có điều kiện tăng cao hơn nhờ vào các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong năm 2015 (tiếp tục đặt trọng tâm vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, triển khai đàm phán các hiệp định mậu dịch tự do, chính sách tài khóa đồng bộ, cẩn trọng, đẩy mạnh tái cơ cấu khu vực ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước).

Bên cạnh đó, với việc nâng hạng tín nhiệm quốc gia cùng những tác động tích cực từ các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán, ông Bằng dự báo: “Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2015 sẽ có sự tăng trưởng hơn về quy mô và thanh khoản. Khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu cũng sẽ tiếp tục được mở rộng. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được sẽ có sự cải thiện nếu như tỷ lệ sở hữu được nới lỏng đi cùng các chính sách tiền tệ, tài chính linh hoạt.”

Đồng tình với những đánh giá trên, ông Trần Thanh Tân, Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý quỹ nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam là một điểm sáng rõ ràng.

“Chưa bao giờ Việt Nam lại có một nền kinh tế vĩ mô đi đúng hướng và được đánh giá cao từ các chuyên gia quốc tế như hiện nay. Điều này được thể hiện qua chỉ số lạm phát có mức tăng 1,84% (CPI năm 2014 tăng so với cuối năm 2013), tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,98%. Báo cáo trên đã tạo cho khối quỹ đầu tư một sự bất ngờ, với thành công ngoài sức mong đợi,” ông Tân hào hứng.

Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan, ông Bằng nhấn mạnh, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô chưa thật sự bền vững, khi mà hoạt động cấu trúc lại và đổi mới của khu vực doanh nghiệp diễn ra còn rất chậm (đặc biệt là vấn đề đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) khiến sự phục hồi của doanh nghiệp còn khó khăn.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dự báo còn nhiều thách thức, do sức cầu trong nước và quốc tế vẫn yếu. Đáng chú ý trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khu vực kinh tế trong nước ngày càng yếu đi với tỷ trọng xuất khẩu trong năm 2014 chỉ chiếm trên 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI chiếm gần 70% .

“Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu ngân hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước còn nhiều thách thức, sở hữu chéo chưa được giải quyết triệt để, thị trường bất động sản mặc dù đã ấm lại nhưng chưa thực sự khởi sắc, đây là những trở ngại mà thị trường chứng khoán sẽ phải tính đến trong năm nay,” ông Bằng nói.

Tâm lý tạo rào cản

Mặc dù là câu chuyện đầu năm, song các thành viên trên thị trường cũng không muốn né tránh những ý kiến đóng góp đi sâu vào nội tại thị trường.

Ông Tân chỉ ra, những yếu tố tâm lý hoảng loạn, thiếu kiểm soát của giới đầu tư trong nước đã “nhấn chìm” thị trường chứng khoán nhiều phen khiến mọi thành quả có được từ những hoạt động đầu tư bền bỉ trước đó.

Theo ông Tân, thực chất một số đợt biến động trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua thực chất không đáng sợ như những gì mà nhà đầu tư đã thể hiện. Như đợt rủi ro địa chính trị từ sự kiện Biển Đông, trong khi các nhà đầu tư trong nước quá sợ hãi thì các nhà đầu tư nước ngoài lại tỏ ra rất bình tĩnh.

“Phía nhà đầu tư trong nước ồ ạt tháo chạy bằng mọi giá, thì bên kia các nhà đầu tư nước ngoài lại thẩm thấu mua vào, kết quả là khối ngoại thu được lợi nhuận lớn trong bối cảnh nhà đầu tư trong nước ‘trắng tay.’

Không chỉ có vậy, những phản ứng thái quá từ các nhà đầu tư nội từ việc giá dầu thế giới điều chỉnh giảm đã ‘đánh chìm’ thị trường chứng khoán. Điển hình là Quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VF1) sau mọi nỗ lực tới tháng 11/2014 đã tăng trưởng tới 27%, nhưng với sự kiện biến động giá dầu và chỉ trong 6 ngày, VF1 đã mất gần 20%,” ông Tân chỉ ra.

Về phía những nhà quản lý, các thành viên thị trường cũng lên tiếng hối thúc việc nâng vị thế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm nay, khi mà trong bối cảnh mới thị trường chứng khoán đã bước sang giai đoạn phát triển mạnh lên với tỷ trọng vốn hóa chiếm khá lớn đạt 31% GDP.

Ông Tân nhấn mạnh: “Cần phải xác định Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nằm ở vị trí cụ thể như thế nào. Nếu là phụ thì thị trường chứng khoán sẽ hoạt động theo dạng phụ của nền kinh tế, còn nếu xác định vị thế thị trường chứng khoán là một trong những kênh dẫn vốn chính, là ‘cái chân’ thứ hai của nền kinh tế thì cần phải được trân trọng.”

Bên cạnh đó, ông Kỳ cũng bổ sung ý kiến của ông Tân với đề xuất: “Chính phủ cần tăng cường thẩm quyền cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đặc biệt là thẩm quyền điều tra ban đầu nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh xử lý phòng ngừa các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.”

Không chỉ có vậy, ông Kỳ còn cho rằng, các cơ quan quản lý thị trường trường cần sớm thực hiện tái cấu trúc Sở giao dịch Chứng khoán với những mục tiêu đã được đặt ra từ đầu năm của năm 2014.

“Kế hoạch thì có, mục tiêu cũng có nhưng cho đến nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể. Trên thực tế, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1826/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án ‘Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm,’ song tiến trình sáp nhập còn quá chậm. Các cấp quản lý nên cần sớm triển khai Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho thị trường chứng khoán phát triển”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục