Trong báo cáo mới đây, Ủy ban liên chính phủ về chống Biến đổi khí hậu (IPCC), đã đưa ra dự báo mới thận trọng hơn liên quan đến khả năng tan băng trên dãy Himalaya, theo đó, từ nay cho đến năm 2100, dãy núi hùng vĩ này có nguy cơ mất đến 45% lượng băng nếu nhiệt độ trung bình bề mặt Trái Đất tăng 1,8 độ C, gần chạm mức an toàn 2 độ C.
Trong báo cáo mang tên “Báo cáo đánh giá thứ 5 về tác động của biến đổi khí hậu 2014," IPCC đã dựa vào 14 hình ảnh mô phỏng máy tính để đưa ra hai dự báo.
Thứ nhất, dãy Himalaya sẽ mất 45% lượng băng trên nền nhiệt độ trung bình tăng 1,8 độ C. Thứ hai, với mức tăng 3,7 độ C, lượng băng tan sẽ tăng lên 68%.
Cả hai dự báo này đều lấy mốc chuẩn từ năm 2006.
Trước đó, trong báo cáo thứ tư công bố vào năm 2007, IPCC từng đưa ra dự báo sai rằng băng trên dãy Himalaya sẽ tan hoàn toàn vào năm 2035.
Trong báo cáo 2007, IPCC cũng đưa ra một nhận định sai lầm khác khi cho rằng có tới 55% diện tích Hà Lan sẽ nằm dưới mặt nước biển, thay vì 26%. Tổ chức này cũng đã thừa nhận lỗi này vào năm 2010.
Lãnh đạo IPCC, ông Rajendra Pachauri, thừa nhận sai lầm nghiêm trọng trong bản báo cáo năm 2007, văn kiện đã giúp nhóm này và Phó Tổng thống Mỹ lúc đó là Al Gore (An Go) được nhận giải thưởng Nobel vì hòa bình.
Theo các chuyên gia của IPCC, các dự báo nói trên đáng tin cậy hơn vì dựa trên một nghiên cứu được công bố năm 2013.
Cũng trong năm 2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thúc đẩy một cuộc điều tra của một nhóm các nhà khoa học đến từ 15 quốc gia nhằm khẳng định các sai lầm nói trên của IPCC không làm mất đi độ tin cậy nói chung của tổ chức này.
Tuy nhiên, IPCC cũng được khuyến cáo cần tăng cường các phương pháp làm việc để đáp ứng đòi hỏi đánh giá được những biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
IPCC được thành lập năm 1988, chịu trách nhiệm đánh giá những nguy cơ liên quan biến đổi khí hậu do hoạt động con người gây ra.
Một trong những hoạt động chính của IPCC là xuất bản các báo cáo đặc biệt về các chủ đề liên quan biến đối khí hậu.
Trước đó, báo cáo năm 2007 của IPCC đã giúp thúc đẩy một loạt hành động tích cực và mang lại hy vọng về một hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Hội nghị LHQ về Biến đổi Khí hậu tại Copenhagen, Đan Mạch năm 2009 đã không đạt được mục tiêu trên do bất đồng ý kiến về vấn đề cắt giảm khí thải nhà kính giữa các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển./.