Năm 2025: Cơ hội nào để "vượt sóng" trên thị trường chứng khoán?

Với định giá hấp dẫn và tiềm năng nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư nắm bắt như thế nào trong bối cảnh đầy biến động?

VN-Index đang trong giai đoạn tích lũy và có thể đối mặt với những rung lắc trong năm 2024 và đầu năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)
VN-Index đang trong giai đoạn tích lũy và có thể đối mặt với những rung lắc trong năm 2024 và đầu năm 2025. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2024 có thể được coi là một năm thành công của chứng khoán khi vượt trội hơn so với kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm. Tuy nhiên, sau giai đoạn khởi sắc ngắn ngủi đầu năm, thị trường chứng khoán gần như đi ngang trong 2/3 thời gian còn lại.

Trên thị trường, dòng tiền tập trung vào một số ít cổ phiếu tăng trưởng và những nhóm ngành có kết quả kinh doanh nổi bật, do đó thiếu sự lan tỏa và luân phiên. Hơn nữa, thị trường chứng khoán còn phải cạnh tranh gay gắt với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và tiền điện tử…, vốn đang trở nên ngày càng hấp dẫn.

Các chuyên gia cho rằng, năm 2025 được dự báo là một năm thử thách, buộc nhà đầu tư phải “vững vàng vượt sóng gió” để tìm kiếm bến “bờ an toàn.”

Đây là chủ đề chính được theo luận tại hội thảo “Vững vàng vượt sóng” do Công ty Chứng khoán VPBankS (VPBS) tổ chức ngày 16/12.

Một năm "không dễ dàng"

Năm 2024, bối cảnh quốc tế không mấy “sáng sủa” với hàng loạt biến động khó lường: Căng thẳng địa chính trị leo thang, chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Trung Quốc có nhiều thay đổi, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ hạ lãi suất lần đầu sau 4 năm và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đầy kịch tính. Tất cả đã tạo nên một môi trường đầu tư nhiều thách thức, đặc biệt đối với các nhà đầu tư theo trường phái ngắn hạn.

Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024, ông Vũ Hữu Điền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPBankS cho rằng thị trường chứng khoán đã có một năm không hề dễ dàng. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 3,1 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

“Con số này lớn nhất trong suốt 24 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam,” ông Điền nói.

Theo đó, chỉ số VN-Index dao động trong biên độ hẹp từ 1.000 đến 1.200 điểm, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Thêm vào đó, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng và tiền số càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, ông Điền cũng chỉ ra những rủi ro địa chính trị, đặc biệt là sự trở lại của ông Trump trên chính trường Mỹ về những lo ngại về căng thẳng thương mại lần thứ hai giữa Trung Quốc và Mỹ… có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của toàn thế giới.

Tuy nhiên, ông Điền nêu ra những tín hiệu lạc quan về kinh tế vĩ mô. Trong đó, GDP quý 3/2024 tăng 7,1% và dự kiến cả năm đạt mức tăng trưởng khoảng 7%. Bên cạnh đó, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên 50 điểm trong những tháng gần đây, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các công ty niêm yết trong 9 tháng đầu năm cũng tăng trưởng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trên cơ sở đó, VPBankS kỳ vọng lợi nhuận này sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 20% trong cả năm 2024 và thậm chí đạt mức 20-25% trong năm 2025. Tuy nhiên, ông Điền cũng lưu ý về những ẩn số như chính sách thuế quan của Mỹ đối với Việt Nam và lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Về dài hạn, ông Điền nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam đang có định giá hấp dẫn với chỉ số P/E khoảng 12 lần, thấp hơn so với 5 năm trước. Ông cũng nhấn mạnh nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, qua đó thu hút dòng vốn ngoại, đặc biệt từ các quỹ ETF và quỹ đầu tư chủ động.

Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc nâng hạng thị trường chứng khoán dù được kỳ vọng, song chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư nước ngoài. Ông nhấn mạnh nâng hạng thị trường chỉ là một điều kiện, chất xúc tác thu hút vốn, bên cạnh tăng trưởng kinh tế ổn định. Yếu tố quan trọng là mặt bằng lãi suất, đặc biệt là chính sách lãi suất của Mỹ. Cụ thể, nếu lãi suất Mỹ giảm mạnh, dòng vốn sẽ chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Ông Thế Anh cũng nhận định thị trường chứng khoán Mỹ đang được định giá quá cao, khi dòng vốn rút khỏi thị trường này, các thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ hưởng lợi. Cùng với chính sách cải cách, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng vốn quay trở lại.

Theo ông Thế Anh, kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo cải thiện nhưng chưa bứt phá. Thị trường chứng khoán vẫn dao động trong khoảng VN-Index 1200-1300 điểm do chịu áp lực từ tỷ giá và bán dòng. Tuy nhiên, áp lực bán dòng từ nhà đầu tư nước ngoài dự kiến giảm bớt cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

VN-Index có thể đạt trên 1.400 điểm?

Phân tích triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam và toàn cầu trong năm 2025, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược Thị trường VPBankS cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng trên toàn cầu là yếu tố cơ bản hỗ trợ sự phục hồi của thị trường tài sản, bao gồm chứng khoán, vàng và tài sản số. Cụ thể, chỉ số Standard & Poor's 500 đã tăng hơn 25%, vàng tăng 29% và Bitcoin thậm chí tăng hơn 130% từ đầu năm cho đến nay.

Thị trường chứng khoán Mỹ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế vững chắc, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi, lạm phát hạ nhiệt và chính sách nới lỏng tiền tệ của FED. Song, ông Sơn cũng chỉ ra điểm trừ của thị trường này là định giá đang ở mức cao trong lịch sử, điều này có thể dẫn đến những nhịp điều chỉnh trong nửa đầu năm 2025.

Đối với thị trường Việt Nam, ông Sơn cho rằng VN-Index đang trong giai đoạn tích lũy và có thể đối mặt với những rung lắc trong năm 2024 và đầu năm 2025. Tuy nhiên, ông kỳ vọng vào “con sóng” nâng hạng thị trường trong nửa cuối năm 2025. Yếu tố tỷ giá và dòng vốn ngoại là hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Năm 2024 chứng kiến chu kỳ rút vốn ròng lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài trong 20 năm qua. Và, ông tin rằng áp lực bán ròng sẽ giảm bớt trong cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Trên nền tảng đó, ông Sơn cũng dự báo thanh khoản thị trường sẽ đi ngang trong nửa đầu năm 2025 và tăng cao trở lại từ tháng 8-9/2025, khi câu chuyện nâng hạng được kích hoạt.

“VPBankS dự báo VN-Index có thể đạt đỉnh trên 1.400 điểm trong năm 2025 và dao động trung bình quanh mức 1.350 điểm,” ông Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu VPBankS cho biết định giá của hầu hết các ngành trên sàn niêm yết đang ở mức hấp dẫn cho trung và dài hạn. Theo đó, VPBankS kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng dương trong năm 2024 và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025, đặc biệt là các ngành phi tài chính.

Tại hội thảo, VPBankS đưa ra danh sách 8 ngành tiềm năng cho năm 2025, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản công nghiệp, thép, bán lẻ, dầu khí, cảng biển và dệt may. Theo đó, mỗi ngành đều có những cơ hội và thách thức riêng. Như, ngành ngân hàng có thể đối mặt với áp lực về biên lãi ròng và chi phí vốn, trong khi ngành bất động sản công nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn cung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục