Xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam tiếp tục đang trên đà tăng trưởng và dự kiến sẽ lập kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản của ngành nông nghiệp.
- Xin Thứ trưởng cho biết về kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 10 tháng năm 2024 ?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 9/2024 đạt 5,85 tỷ USD, tháng 10/2024 là hơn 5,9 tỷ USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2024 đạt 51,74 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như nông sản tăng gần 26%, lâm sản tăng gần 20%, thủy sản tăng 12%... Như vậy, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 là 54-55 tỷ USD là hoàn toàn có thể vượt qua.
Chỉ còn 2 tháng kết thúc năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ đạt 62 tỷ USD. Đây sẽ là năm có kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao nhất trong những năm qua.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chiến tranh trên thế giới, giá vật tư đầu vào tăng cao… nhưng do nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển tốt hệ thống thị trường và một số nghị định thư được ký mới với Trung Quốc nên kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2014 sẽ “về đích” với mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong những năm qua, xuất khẩu nông lâm thủy sản liên tục tăng trưởng, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ và chúng ta vẫn còn dư địa nâng cao kim ngạch xuất khẩu nếu tiếp tục triển khai một số Nghị định xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và khai thác thị trường Trung Đông, thị trường Halal… thì nông sản Việt Nam sẽ còn khơi dậy được nhiều tiềm năng, lợi thế hơn nhiều trong thời gian tới.
- Xin Thứ trưởng cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều tiềm năng như Trung Quốc và thị trường Halal trong thời gian tới như thế nào?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Trung Quốc là thị trường lớn, tiềm năng với 1,4 tỷ dân. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam, chiếm tới 21,5% . Với việc ký thêm 3 nghị định thư mới về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và sản phẩm cá sấu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang quyết liệt xúc tiến mạnh để xuất khẩu các sản phẩm sang Trung Quốc.
Hiệp định CEPA: Tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu sang UAE
CEPA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam ký với một nước Ảrập, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ ngày càng đi vào thực chất giữa Việt Nam với UAE nói riêng cũng như các nước Ảrập nói chung.
Với thị trường Halal, chúng ta cũng xác định đây là thị trường lớn với khoảng 2,2 tỷ người nên sẽ tập trung phát triển thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao mà các quốc gia lại không thừa nhận chứng nhận Halal lẫn nhau. Thời gian vừa qua, ngành đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Halal, đó là thuốc, vaccine thú y và thịt gà của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… Tập đoàn De Heus Dehus cũng sẽ có sản phẩm thịt gà trong thời gian sớm nhất sang thị trường này. Trong nước đã xúc tiến với các doanh nghiệp, với các sứ quán, Bộ Ngoại giao tổ chức những hội nghị chuyên về thị trường Halal và sau chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ tại các nước Trung Đông thì tôi nghĩ rằng tiềm năng, lợi thế của thị trường Halal sẽ được khai mở.
Việc Việt Nam từng bước chinh phục thị trường yêu cầu cao, nhiều tiềm năng như Halal và mở rộng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản trong thời gian tới, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn hiện nay.
- Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng cao có đóng góp không nhỏ của việc giá trị của một số sản phẩm nông sản ngày càng tăng, vậy thì Thứ trưởng đánh giá thế nào về việc nâng cao giá trị kinh tế của nông sản Việt Nam?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản có được là do sản lượng và giá trị của các sản phẩm đều tăng. Các sản phẩm nông sản đang ngày càng tạo nên giá trị kinh tế cao khi đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải lưu ý là chế biến sâu vẫn chưa đạt được yêu cầu. Tôi có đọc những bài báo, xem những phóng sự khẳng định rằng nông sản Việt Nam chế biến thô là 70 %, trong khi các nước mà chế biến sâu là 70 %. Đây cũng là bài toán rất nhức nhối của ngành nông nghiệp. Nếu chúng ta gắn chế biến sâu, hạ tầng nông nghiệp, kho bãi, logitics với xúc tiến thương mại thì chúng ta sẽ hoàn thiện hệ thống xuất khẩu.
Nông nghiệp Việt Nam là lợi thế quốc gia. Nếu chúng ta giải quyết được những tồn tại, khó khăn và thách thức thì tiềm lực, lợi thế của ngành nông nghiệp sẽ được phát huy, không phải chỉ với thị trường trong nước 100 triệu dân mà còn có sức lan tỏa sâu rộng đối với thị trường thế giới. Việt Nam đang xuất khẩu nông sản đứng thứ 15 thế giới, nếu khắc phục được những hạn chế, khó khăn thì chúng ta có thể vươn lên đứng thứ 9, thứ 10 trên thế giới.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!