Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng khá tốt các cơ hội để tăng cường xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Năm 2024 tỉnh Đồng Tháp xuất khẩu gạo ước đạt 1.366.000 tấn, tăng 157,59% so với năm 2023, đạt 227,67% kế hoạch năm 2024; kim ngạch xuất khẩu đạt 865 triệu USD.
Đây là năm mà Đồng Tháp tăng trưởng khá ấn tượng trong việc xuất khẩu gạo ra nước ngoài.
Bà Võ Phương Thủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết việc Ấn Độ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước, cùng với nguồn cung tại một số quốc gia xuất khẩu gạo bị sụt giảm do El Nino đã đẩy nhu cầu và giá gạo thế giới tăng cao.
Tiếp nối đà tăng trưởng khá ấn tượng trong năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến dây chuyền công nghệ chế biến hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường xuất khẩu.
Mặc khác nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống tăng, trong khi nước xuất khẩu gạo lớn Ấn Độ vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng; nên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh tăng cường thu mua, chế biến để tạo nguồn hàng cho xuất khẩu nên sản lượng chế biến năm 2024 tiếp tục tăng trưởng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 174 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo, ước tính sản lượng xay xát, lau bóng gạo năm 2024 đạt 2,1 triệu tấn, tăng 17,25% so với năm 2023.
Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là châu Đại Dương, còn lại là các châu lục khác.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Chơn Chính ở xã Đốc Binh Kiều, huyện Tháp Mười là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở Đồng Tháp, sản phẩm gạo của công ty đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines… và một số nước ở châu Âu đem về hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Để có lượng gạo chất lượng xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp ưu tiên sử dụng các giống lúa thơm, cao sản chất lượng cao.
Đa số bà con nông dân sản xuất 3 vụ lúa trong năm 2024 sử dụng các giống lúa chất lượng cao như lúa Đài Thơm 8, OM 18, OM 5451, OM 6976, OM 4900, Nàng hoa 9, VD 20, lúa Nhật. Đối với khu vực vùng Đồng Tháp Mười, bà con sử dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình-khá.
Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu bà con sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu.
Đa số bà con nông dân trong tỉnh Đồng Tháp đang phát triển thịnh hành nhất hiện nay là giống lúa OM18. Thời gian sinh trưởng của giống lúa OM 18 từ 95 đến 115 ngày, cho năng suất từ 7 đến 8 tấn/ha.
Giống lúa OM 18 được nhiều nông dân ưa chuộng hơn, vì nó giúp tăng thu nhập từ việc bán với giá cao hơn lúa OM 5451 từ 500-700 đồng/kg và cao hơn lúa IR 50404 từ 700-800 đồng/kg.
Hạt gạo từ giống lúa OM 18 thon dài, trong, cho cơm trắng, mềm, có mùi thơm nhẹ, đây là một trong những loại gạo có giá trị kinh tế cao, đặc biệt gạo từ giống lúa OM 18 đạt chuẩn xuất khẩu.
Vừa qua nhiều mô hình hay sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Mô hình được thực hiện tại, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông với quy mô 50ha/24 hộ tham gia. Mô hình sử dụng giống lúa OM 18 cấp xác nhận. Kết nối các dự án hiện có, tạo vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho việc xuất khẩu.
Anh Nguyễn Văn Phương tại xã Phú Điền, huyện Tháp Mười, sử dụng giống lúa OM 18 để gieo sạ, năm 2024 đạt gần 8 tấn/ha, giá lúa bán được 9.600 đồng/kg, tính ra lãi gần 50 triệu đồng/ha.
Anh Phương cho biết trong khu vực xã Phú Điền, huyện Tháp Mười đa số bà con hiện nay sử dụng giống lúa OM 18 để gieo sạ, một mặt giống lúa này cứng cây, ít đổ ngã, ngắn ngày, cho năng suất cao, dễ bán cho thương lái để xuất khẩu, thích hợp với vùng đất trũng nơi đây.
Bà Võ Phương Thủy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết tỉnh tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, tận dụng hiệu quả ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới, thị trường tiềm năng; duy trì đều đặn tham gia các Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cao năng lực dự báo, thông tin thị trường, kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp nắm bắt, có kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho doanh nghiệp.
Xuất khẩu gạo hiện nay ở tỉnh Đồng Tháp chủ yếu vào thị trường châu Á. tỉnh tìm giải pháp kết nối thị trường châu Âu, cho mặt hàng gạo để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường./.
Đồng Tháp sẽ là tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp năm 2050
Tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp tầm nhìn đến năm 2050, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.