Cơ quan Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) ngày 9/1 công bố báo cáo cho biết năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên nhiệt độ toàn cầu tăng vượt qua ngưỡng 1,5°C so với mức tiền công nghiệp.
Cột mốc 1,5°C chính là lời cảnh tỉnh khẩn cấp đối với các quốc gia để hành động ngay lập tức.
Báo cáo nêu rõ nhiệt độ trung bình năm 2024 cao hơn 1,6°C so với giai đoạn 1850-1900, thời kỳ trước khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch quy mô lớn.
Giám đốc C3S, ông Carlo Buontempo, cho biết mỗi tháng trong năm 2024 đều là tháng nóng nhất hoặc nóng thứ nhì kể từ khi các số liệu được ghi nhận. Đây cũng là năm nóng nhất trong lịch sử, và 10 năm qua đều là những năm nóng nhất ghi nhận được.
Cơ quan Khí tượng Anh ước tính nhiệt độ trung bình năm 2024 tăng 1,53°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, xấp xỉ ngưỡng 1,5°C mà các quốc gia cam kết theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Buontempo cảnh báo rằng xu hướng này sẽ tiếp tục nếu không có hành động giảm phát thải mạnh mẽ, dù hiện tại vẫn chưa quá muộn để thay đổi.
Biến đổi khí hậu đang gây ra các thảm họa khắp nơi, từ cháy rừng hiện nay ở Mỹ và Venezuela, lũ lụt ở Nepal và Tây Ban Nha, đến sóng nhiệt ở Mexico và Saudi Arabia khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, như bão và mưa lớn, do không khí nóng hơn có thể chứa nhiều hơi nước hơn.
Nồng độ CO2 trong khí quyển đã đạt mức cao kỷ lục 422 phần triệu vào năm 2024, làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục là một trong những năm nóng nhất, dù có thể không vượt qua 2024, do tác động của hiện tượng El Nino./.
LHQ kêu gọi hành động toàn cầu để hạn chế mức tăng nhiệt độ trước năm 2025
Liên hợp quốc công bố sáng kiến Cam kết về khí hậu năm 2025 nhằm kêu gọi hành động toàn cầu để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.