"Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính cần kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém để khắc phục," Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra tài chính năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức, ngày 26/12.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá năm 2024, công tác thanh tra tài chính đã đạt nhiều kết quả tích cực, thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận góp phần xứng đáng vào thành công chung của toàn ngành.
Sắp xếp bộ máy: Hoàn thành kiểm kê, phân loại tài sản trước ngày 1/1/2025
Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, ngành thuộc diện sắp xếp phải hoàn thành việc kiểm kê, phân loại tài sản đồng thời tam dừng việc mua sắm, thuê mới tài sản từ ngày 1/1/2025.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh công tác của Bộ Tài chính ngày càng khó khăn và đòi hỏi toàn ngành phát huy hết khả năng để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
“Hiện nay, chúng ta phải dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Bộ Tài chính phải quyết tâm xây dựng tốt các chính sách, đưa ra các giải pháp để quản lý tốt các hoạt động kinh doanh tài chính. Do đó, công tác thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của tiền kiểm và hậu kiểm,” lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Báo cáo công tác của ngành, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thiệu cho biết năm 2024, Thanh tra Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu, hỗ trợ Lãnh đạo Bộ trong công tác quản lý thanh tra, kiểm tra toàn ngành. Trên cơ sở đó, Bộ đã xây dựng, kiện toàn thể chế đồng thời giải quyết các vướng mắc trong phối hợp và triển khai nhiệm vụ.
Trong năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện 72.021 cuộc thanh, kiểm tra, kiểm tra 663.032 hồ sơ khai thuế, xử lý 16.390 vụ việc chống buôn lậu, kiến nghị xử lý tài chính 115.320 tỷ đồng, qua đó đã thu nộp ngân sách Nhà nước 14.581 tỷ đồng. Riêng Thanh tra Bộ đã triển khai 29 cuộc thanh tra và 2 cuộc kiểm tra theo kế hoạch, kiến nghị xử lý tài chính 17.888 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác tiếp dân và xử lý đơn thư cũng được Thanh tra Bộ Tài chính đặc biệt chú trọng. Bộ đã tiếp 711 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đường dây nóng được duy trì thường xuyên để tiếp nhận thông tin và chuyển đến các đơn vị có thẩm quyền. Năm 2024, Bộ Tài chính tiếp nhận 9.883 đơn, trong đó có 8.534 đơn đủ điều kiện xử lý, bao gồm 1.700 đơn khiếu nại, 2.647 đơn tố cáo và 4.187 đơn kiến nghị, phản ánh. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã tham mưu, hướng dẫn các đơn vị thuộc Bộ Tài chính trong việc xem xét, xử lý đơn thư.
Phó Chánh Thanh tra Nguyễn Văn Thiệu cho biết công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng được triển khai nghiêm túc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi vi phạm, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, đại diện các đơn vị có chức năng thanh tra đã đánh giá cao vai trò của Thanh tra Bộ Tài chính trong việc phối hợp, hướng dẫn, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra toàn ngành.
Về nhiệm vụ năm 2025, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính cần đổi mới tư duy, xây dựng chính sách và giải pháp quản lý hiệu quả các hoạt động tài chính. Do vậy, công tác thanh tra, kiểm tra cần nâng cao chất lượng cả tiền kiểm và hậu kiểm.
Thứ trưởng Cao Anh Tuấn yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra tài chính phải là công cụ đắc lực để tăng thu, tiết kiệm chi, sử dụng hiệu quả nguồn lực, phát hiện kịp thời các sơ hở trong quản lý tài chính-ngân sách và đề xuất giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả quản lý.
Hơn nữa, Thanh tra Bộ cần tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho toàn ngành. Việc phối hợp với Thanh tra Chính phủ trong việc triển khai Luật Thanh tra và xây dựng Luật Tiết kiệm chống lãng phí cũng được đặc biệt quan tâm./.