Năm 2024 dự kiến có khoảng 4 tỷ USD vốn FDI đổ vào thành phố Cảng Hải Phòng

Hải Phòng vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 12 dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 tỷ USD, nâng vốn FDI năm 2024 lên 3,5 tỷ USD.

Thường trực Thành ủy Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)
Thường trực Thành ủy Hải Phòng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, đến nay, thành phố thu hút 1.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với số vốn là 32,2 tỷ USD, chiếm 7% vốn FDI toàn quốc. Dự kiến, năm 2024, thu hút vốn FDI của Hải Phòng sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD. Đây là những con số biết nói trong thu hút đầu tư nước ngoài tại thành phố Cảng.

"Cứ địa" của các nhà đầu tư lớn

Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 12 dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký đạt 1,8 tỷ USD, nâng vốn FDI đầu tư từ đầu năm đến tháng 11/2024 vào các khu công nghiệp là 3,5 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch năm.

Một trong những dự án lớn nhận Giấy chứng nhận đầu tư là Dự án đầu tư mở rộng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng (thuộc Tập đoàn LG, Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) tăng thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên thành 5,65 tỷ USD.

Đây cũng là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của Tập đoàn LG tại Việt Nam, chuyên sản xuất màn hình OLED công nghệ cao với quy mô 14 triệu sản phẩm/tháng. Dự án bắt đầu đầu tư từ năm 2016 với số vốn 1,5 tỷ USD. Sau 8 năm hoạt động đã liên tục mở rộng quy mô, tăng 4,15 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 22 nghìn lao động. Xuất khẩu bình quân đạt 5,8 tỷ USD/năm, nộp ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm.

Trong quá trình triển khai dự án, các doanh nghiệp của Tập đoàn LG cũng như các doanh nghiệp FDI nói chung luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, các ban ngành thành phố Hải Phòng và có sự phát triển ổn định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của thành phố.

Tại hội nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ông Choi In Kwan, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng (LG Display) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn LG tại Hải Phòng là 8 tỷ USD, với 3 công ty là LG Electronics, LG Display và LG Innotek, sử dụng khoảng 35 nghìn lao động.

Theo ông Choi In Kwan, Hải Phòng là một thành phố lý tưởng cho các doanh nghiệp. Đây là nơi có nhiều nhân lực xuất sắc, đồng thời có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt như cảng biển, sân bay quốc tế; trong đó, điểm đáng chú ý nhất chính là về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Lãnh đạo thành phố rất thân thiện với doanh nghiệp FDI.

Các doanh nghiệp rất ấn tượng khi các lãnh đạo thành phố đã trực tiếp xuống hiện trường, có chỉ đạo kịp thời để khắc phục nhanh chóng thiệt hại sau bão Yagi vừa qua. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là địa chỉ tin cậy, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ mọi vướng mắc.

Ông Takashi Kagamoto, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mitsubishi Estate Việt Nam, chủ đầu tư dự án Logicross Hải Phòng cho biết, đây là dự án nhà kho xây sẵn với tổng diện tích sàn khoảng 88.000m2 tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ. Chủ đầu tư quyết định lựa chọn Hải Phòng do vị trí địa lý thuận lợi, thu hút FDI của thành phố có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian qua. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về logistics từ các ngành công nghiệp sản xuất trong nước và quốc tế cũng như nhu cầu về cơ sở hạ tầng logistics chất lượng cao để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Takashi Kagamoto, trong quá trình triển khai dự án, mọi thủ tục từ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư đến giấy phép xây dựng đều diễn ra rất thuận lợi. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Tập đoàn Sao Đỏ (Chủ đầu tư Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ) đã đồng hành, hỗ trợ trong suốt quá trình nhà đầu tư triển khai dự án.

Chiến lược tốt trong thu hút FDI và chuyển giao công nghệ

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, để Hải Phòng tiếp tục đi đầu cả nước về thu hút FDI, thời gian tới, thành phố sẽ tập trung cao độ vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới dự án công nghệ cao, nhất là các dự án về bán dẫn và chip điện tử. Trong quá trình các nhà đầu tư triển khai dự án, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, làm thủ tục nhanh nhất theo phương châm "Sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố". Song song với đó, thành phố sẽ thúc đẩy để tăng cường khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong chuyến thăm, làm việc tại thành phố Hải Phòng mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao thành tựu Hải Phòng đạt được như luôn nằm trong nhóm những địa phương thu hút FDI lớn nhất. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển nhanh, hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; không gian đô thị được mở rộng, thêm nhiều khu mới, văn minh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định Hải Phòng đạt những thành tựu mà nhiều địa phương khác chưa làm được khi cùng chung một bối cảnh và thể chế. Nhiều mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong nhiều lĩnh vực là sáng kiến của Hải Phòng, cần tổng kết và có thể áp dụng cho nhiều địa phương. Điều này có được là nhờ Đảng bộ và chính quyền thành phố Hải Phòng biết khơi dậy tinh thần "dám nghĩ - dám làm" của lãnh đạo thành phố, biết phát huy tiềm năng, chí khí, bản lĩnh, kiên nghị, thông minh và táo bạo vốn đã thành cốt cách của người Hải Phòng.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu một số nội dung Hải Phòng cần thẳng thắn nhìn nhận như chất lượng tăng trưởng chưa cao, còn hạn chế về cơ chế, chính sách cho những động lực tăng trưởng mới, mô hinh kinh doanh mới, hạ tầng thông minh, hạ tầng số, chuyển đổi xanh, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và công nghiệp 4.0. Thành phố thu hút được nhiều dự án FDI, doanh nghiệp đa quốc gia nhưng chưa có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp nội địa của Hải Phòng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu một số nhiệm vụ thành phố Hải Phòng cần tập trung thời gian tới như: cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch; trong đó, có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông. Quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch. Quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Hải Phòng cần phát huy lợi thế của Hải Phòng là "cửa chính ra biển" đối với cả miền Bắc, quy hoạch xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, trung tâm kết nối kinh tế và động lực phát triển của Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Bắc bộ. Hải Phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, thúc đẩy phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục