Năm Tân Sửu đã khép lại với quá nhiều cung bậc cảm xúc “bất an” trong đời sống kinh tế-xã hội khi biến cố COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành, đặc biệt là sau đợt bùng dịch lần thứ 4.
Nhưng ở một “đường ray” khác, gần như tách biệt với xu thế chung, thị trường chứng khoán “rực sáng” với hoạt động giao dịch sôi động đầy bất ngờ đồng thời mang lại lợi nhuận “phi mã” cho nhiều nhà đầu tư cũng như thu nhập “khủng” tới các nhóm thành viên thị trường. Và vì thế, chứng khoán trở thành “từ khóa” hấp dẫn thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều tầng lớp dân cư trong năm qua.
Bước sang năm mới Nhâm Dần, nhiều đánh giá khả quan về sự phục hồi kinh tế trong nước đã được đưa ra. Trên cơ sở đó, sự kỳ vọng của giới đầu tư vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm con Hổ sẽ mạnh mẽ hơn.
“Một vốn bốn lời”
Hoàn toàn không nói ngoa, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một năm “rong ruổi trên lưng trâu” và phô trương được “vẻ đẹp” vô cùng hấp dẫn của nó. Những mã cổ phiếu trước đó không mua nổi chén nước trà đã “sinh nở” cho cổ đông những khoản tiền “kếch xù,” không chỉ vài lần mà lên tới vài chục lần trong vòng 12 tháng.
Điển hình như mã ATA (Công ty Ntaco) tăng trưởng tới 2.050%, từ mức giá 200 đồng/cổ phiếu lên 4.300 đồng/cổ phiếu (có thời điểm ATA đã chạm mức cao nhất 5.400 đồng/cổ phiếu). Thậm chí, cổ phiếu TGG (Công ty Louis Capital) đã “nổi loạn” từ mức 1.170 đồng/cổ lên 74.800 đồng/cổ phiếu (ngày 22/9), tăng 63.900%, sau đó mã này lao dốc xuống mức 18.500 đồng/cổ phiếu, chốt mức tăng tới 1.480% (ngày 31/12). Bên cạnh đó, các mã NOS, PTO, LCM, LIC, RGC, CMS, TNT cũng mang lại cho “ông, bà chủ” những khoản tiền lời tăng tới chín, mười lần.
Về các nhóm ngành, số liệu từ Công ty chứng khoán SSI cũng cho thấy trong năm 2021, cổ phiếu ngành dệt may đã tăng trên 110%, cảng biển và logistics tăng 94%, thủy sản tăng 54%, ngân hàng tăng gần 37% và bán lẻ 36%...
Trên thị trường, VN-Index liên tiếp thiết lập những đỉnh lịch sử và chạm mức cao nhất 1.500,81 điểm (ngày 25/11). Tính cả năm, VN-Index tăng trên 35% và HNX-Index vọt lên 125% so với cuối năm 2020. Cùng với đó, mức vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng và tăng 46%, tương đương 123% GDP năm 2020. Đáng chú ý, số lượng tài khoản giao dịch mở mới trong năm đạt tới con số 1,5 triệu và nâng lên trên 4,3 triệu tài khoản đang giao dịch.
Về xu thế này, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS dự báo số lượng nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2022, với quy mô có thể đạt 10 triệu tài khoản.
Ông Hà cho rằng với sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cùng sự chuyển tiếp của dòng tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản chứng khoán, thị trường khả năng sẽ chứng kiến những phiên giao dịch xác lập kỷ lục trên 3 tỷ USD.
“Dự báo trong quý 1/2022, VN-Index sẽ chứng kiến đỉnh mới của thị trường chứng khoán Việt Nam đồng thời nhiều cổ phiếu sẽ vượt đỉnh lịch sử kể từ khi niêm yết đến nay,” ông Hà tin tưởng đưa ra đánh giá.
Thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc
Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định đánh giá trên là có cơ sở và cho rằng thị trường chứng khoán trong năm 2022 sẽ cải thiện tốt hơn năm 2021 cả về cung và cầu đồng thời đây là yếu tố rất quan trọng tác động đến nền kinh tế trong nước.
Ông chỉ ra các yếu tố tích cực, như chiến lược vaccine của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan, với tỷ lệ dân số được tiêm nằm ở top cao của thế giới. Bên cạnh đó, cách tiếp cận mới đã chuyển sang thích ứng với dịch COVID-19, điều này sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh một cách bền vững và đây là tín hiệu tốt cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Mặt khác, ông Bằng đánh giá sức khỏe và đà hồi phục của nền kinh tế được thể hiện qua sự cải thiện của tốc độ tăng trưởng. Ông dự báo chính sách lãi suất tại các ngân hàng sẽ không giảm nhiều, nhưng lượng cung tiền từ giải ngân tín dụng và tính thanh khoản trong nền kinh tế sẽ tốt hơn. Hơn nữa, hoạt động xuất-nhập khẩu năm 2021 ghi nhận những kết quả khá tốt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả thực hiện và đăng ký cũng khá hơn so với năm 2020 và xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam vẫn đang ở mức BB.
Bên cạnh đó, ông Vũ Bằng đánh giá cao các gói hỗ trợ chính sách của Chỉnh phủ trong năm qua. Theo ông, mặc dù đến hơi chậm so với bước đi của quốc tế, song nếu đạt hiệu quả tốt, các gói hỗ trợ này sẽ thúc đẩy tăng trưởng và tác động lâu dài cho nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Cụ thể hơn, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung Tâm phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6%-6,5% và CPI tăng khoảng 4% là khả thi với điều kiện gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả. Ở kịch bản khả quan hơn, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm nay.
“Dựa trên triển vọng hồi phục khả quan của kinh tế Việt Nam, chúng tôi có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp thấp,” bà Phương cho biết.
Với kịch bản cơ sở mức lãi suất có thể tăng nhẹ trong khoảng 20-25 điểm cơ bản vào cuối năm 2022, nhóm phân tích của SSI cho rằng ở mức lãi suất thấp (so với giai đoạn đầu xuất hiện COVID-19) là yếu tố quan trọng để hỗ trợ thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản trong năm.
Mặt khác, các sáng kiến phát triển thị trường vốn (việc triển khai T+0 và mô hình bù trừ thanh toán trung tâm - CCP) dự kiến cũng sẽ là các yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong năm 2022. Theo SSI, kịch bản tốt nhất là việc triển khai T+0 và CCP có thể hỗ trợ cho xác suất nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi theo đánh giá của FTSE Russell Index được công bố vào tháng 9/2022.
Ngoài ra, SSI cũng dự báo một số ngành vẫn có thể tăng trưởng vượt trội bất chấp khó khăn trong nửa đầu của năm, như thủy sản, dệt may và vận tải biển (xuất khẩu); phân bón, thủy sản, hóa chất và mía đường (một số loại hàng hóa có thể đạt mức giá cao trong nửa đầu năm); xây dựng, bất động sản dân cư và khu công nghiệp (hưởng lợi từ đầu tư công); chứng khoán và bất động sản dân cư (hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp).
Lưu ý về lạm phát và việc giảm các gói kích thích kinh tế toàn cầu, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước Trần Văn Dũng cho rằng chính sách thắt chặt của ngân hàng trung ương các nước (Mỹ, châu Âu) mặc dù ảnh hưởng đến lạm phát trực tiếp chưa nhiều nhưng gián tiếp đã rất lớn, như chi phí vận chuyển trên thế giới tăng gần như gấp đôi, giá dầu tăng, khiến chi phí từ chuỗi cung ứng tăng...
Trong nước, ông chỉ ra dịch COVID-19 diễn biến còn rất phức tạp, khó đoán định đồng thời việc xuất hiện những biến chủng mới có thể sẽ tác động đến chuỗi cung ứng, khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng, gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết vốn đang có xu hướng chững lại.
“Đây là những dấu hiệu cần quan sát kỹ khi đánh giá về thị trường chứng khoán trong năm tới,” ông nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Dũng cho biết để thị trường phát triển bền vững, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trình Bộ Tài chính đề cương chiến lược phát triển thị trường trong 10 năm tới.
“Theo đó, chiến lược có sự thay đổi về giai đoạn phát triển (trước đây tập chung nhiều vào quy mô và sản phẩm), đó là thời gian tới tập trung về chất lượng và bền vững nhiều hơn, phát huy định hướng đủ cả về thị trường trái phiếu và cổ phiếu cũng như quản trị doanh nghiệp,” ông Dũng nhấn mạnh.
Dưới góc độ công ty chứng khoán, ông Trần Hải Hà cho rằng điều quan trọng nhất các nhà đầu tư mong muốn là “thắng lợi,” nên họ quan tâm nhiều về bối cảnh kinh tế vĩ mô, cách thức chính phủ xử lý và khống chế dịch bệnh, đặc biệt là nền tảng công nghệ của thị trường cần được đáp ứng và nâng cao hơn nữa.
“Các thành viên thị trường mong muốn các nhà quản lý sẽ sát sao hơn nữa để hạn chế những vấn đề thao túng, nội gián…, giúp thị trường luôn luôn minh bạch, có tính bền vững và đặc biệt bảo vệ cho nhà đầu tư nhỏ lẻ,” ông Hà nói./.