Theo báo cáo tại hội nghị, đến ngày 15/12, các đơn vị thuộc Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiến nghị gần 47.530 tỷ đồng, đạt 70,6% đồng thời kiến nghị về cơ chế chính sách, thực hiện 25/198 văn bản và 24/95 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Nội dung trên được Kiếm toán Nhà nước công bố tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng năm 2023, ngày 29/12.
[Kiến nghị Kiểm toán Nhà nước về đất đai chưa được giải quyết dứt điểm]
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát trong đó có nhiều vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã phát hành 293 báo cáo kiểm toán và kiến nghị xử lý tổng số tiền trên 55.900 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước 3.070 tỷ đồng, giảm chi ngân sách 25.687 tỷ đồng và kiến nghị khác là 27.149 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp.
Đặc biệt trong năm, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”. Theo đó, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ và kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.
Thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật ngay trong quá trình kiểm toán.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết năm 2023 là năm bản lề quan trọng của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước sẽ tích cực thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai kiểm toán đối với nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương, chính sách lớn được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành.
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 1482/QĐ-KTNN ngày 2/12/2022, Kiểm toán nhà nước sẽ thực hiện 129 nhiệm vụ kiểm toán, chưa kể các nhiệm vụ cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Trên cơ sở đó, Kiểm toán Nhà nước xác định phương hướng nhiệm vụ năm 2023, trong đó siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, hoàn thành toàn diện kế hoạch hoạt động năm 2023 trên tinh thần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.
Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm trong kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý đối với việc thi hành công vụ, nhiệm vụ, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, kiểm soát quyền lực và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ./.