Năm 2021, TP.HCM thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chủ lực

Các sở, ngành thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, nhất là những nhóm ngành hàng có lợi thế từ FTA.
Một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh). (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh xác định sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp cấp bách về phòng chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đặt ra mục tiêu có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chủ lực trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Các sở, ngành thành phố sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài, nhất là những nhóm ngành hàng có lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Tín hiệu tăng đơn hàng xuất khẩu

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong quý 4/2020 cho thấy, có 34,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý 3/2020.

Dự kiến quý 1/2021 so với quý 4/2020, có 35,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên.

Điển hình, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 37,5% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 1/2021 tốt hơn. Đồng thời, tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lần lượt là 34,4% và 32%.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, trong quý 4/2020 so với quý 3/2020, có 24% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn và 43,7% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định.

Xu hướng quý 1/2021 so với quý 4/2020, có 26,9% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới và 44,5% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

[Thành phố Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội]

Về đơn đặt hàng chung, có 30,3% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý 4/2020 cao hơn quý 3/2020 và 36,9% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng giữ nguyên như quý 3/2020.

Xu hướng quý 1/2021 so với quý 4/2020, có 32,6% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên và 38% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng ổn định. 

Ông Huỳnh Văn Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể kể đến như nhu cầu thị trường trong nước thấp, áp lực về cạnh tranh của hàng trong nước cao, khó khăn về tài chính...

Khi tình hình phòng chống dịch COVID-19 trong nước đã kiểm soát tốt đã kéo theo sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều đối tác thương mại lớn chưa mở cửa thị trường. 

Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp rất cần đa dạng biện pháp hỗ trợ kịp thời, mang tính đột phá và dài hạn như thông tin về thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu; tìm kiếm thị trường đối tác xuất khẩu mới... Song song đó, thực hiện nhanh việc xem xét miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế; tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước. 

Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính chung 12 tháng năm 2020, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố giảm 4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,6%; sản xuất và phân phối điện (1,1%)...

Nguyên nhân chủ yếu được doanh nghiệp cho biết, là do Việt Nam bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số nước là đối tác quan trọng của Việt Nam đang phải tiếp tục đối phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 2 khiến cho nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp. 

Đối với ngành công nghiệp cấp 2, tính chung 12 tháng năm 2020 thì 11/30 ngành cấp 2 có chỉ số đều tăng so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành có mức tăng cao, gồm khoáng khác tăng 76,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (18,7%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (17,7%); sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu (7,2%)... 

Còn chỉ số 12 tháng năm 2020 của bốn ngành công nghiệp trọng điểm tăng 0,5% so với năm 2019, cao hơn 4,5 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, ngành sản xuất hàng điện tử tăng 18,7%; ngành hóa dược tăng 4,7%. 

Thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp

Đánh giá về kinh tế-xã hội năm 2020, các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, năm 2020 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhiều nước thực hiện biện pháp phong tỏa, đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại... dẫn đến sự sụt giảm mạnh về nhu cầu tiêu thụ dầu và lượng khách du lịch, đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng. 

Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, những bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ, mâu thuẫn địa chính trị giữa các quốc gia, cuộc chạy đua tìm kiếm và phân phối vắcxin chống dịch COVID-19 tiếp tục là thách thức đối với kinh tế thế giới và ảnh hưởng xấu tới kinh tế Việt Nam. 

Trong nước, nhờ sớm ngặn chặn thành công và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 trong cả năm 2020, nên Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã từng bước khôi phục hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, giá trị gia tăng ngành công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,47% so với cùng kỳ năm 2019 và dự báo khó trở lại nhịp tăng trưởng cao 7%-7,5% như trước khi xuất hiện dịch COVID-19 do tình hình tiêu thụ, đơn hàng sản xuất giảm. 

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang đối mặt với xu hướng chuyển dịch doanh nghiệp lớn ra khởi địa bàn ngày càng rõ nét do cạnh tranh thu hút đầu tư từ tỉnh, thành lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai...

Với độ mở lớn của tiến trinh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố chịu tác động đang xem nhiều mặt bởi diễn biến khó lường của thị trường toàn cầu và nền kinh tế quốc tế.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đối mặt với nhiều thách thức, nhưng trong năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 83,5% tổng kim ngạch xuất khẩu là kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, dẫn đầu là đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,8 tỷ USD. Tiếp theo có thể kể đến là nhóm hàng hoá khác đạt 6,9 tỷ USD; dệt may đạt 4,3 tỷ USD; giày dép đạt 2,2 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 2,2 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của doanh nghiệp thành phố xuất qua cảng thành phố vẫn là Trung Quốc (đạt 10,5 tỷ USD, chiếm 26,2% tỷ trọng xuất khẩu, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm trước), Hoa Kỳ (đạt 6,7 tỷ USD, chiếm 16,7%, giảm 0,2%), Nhật Bản (đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 7%, giảm 16% so với cùng kỳ)...

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; đồng thời là thị trường tiêu thụ lớn và cửa ngõ giao thương quốc tế. Vì vậy, các sở, ngành thành phố cần có giải pháp thu hút, lựa chọn và hấp thu vốn FDI, ODA... 

Theo bà Phan Thị Thắng, để thu hút vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, điện tử, công nghệ thông tin...

Xây dựng và thúc đẩy thực hiện cơ chế phối hợp có hiệu quả trong liên kết ngành, liên vùng để tạo đầu ra cho sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ lực.

"Nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay, lao động có tay nghề cao... để phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao... cần được ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm hàng Việt có lợi thế," bà Phan Thị Thắng cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục