Năm 2021: Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan hơn mục tiêu đề ra

Các chuyên gia kỳ vọng tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng có thể quay trở lại mức trước dịch COVID-19 vào nửa cuối năm 2021, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung của ngành.
Có nhiều yếu tố để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn ra khá phức tạp nhưng cơ bản đã được khống chế, bên cạnh đó, Bộ Y tế cho biết sẽ có 11 nhóm được tiêm vắcxin trong năm nay, với 4,8-8,2 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19...

Chính vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh.

Mục tiêu đặt ra là khả quan

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng năm 2021 khoảng 12%. Tuy nhiên, việc đặt ra mục tiêu này không phải là con số cố định, buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết, có thể lên đến 14%-15% tùy thuộc vào điều kiện thực tế.

Các chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 có thể đạt 13%-14% nhờ những tín hiệu phục hồi kinh tế. Con số này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 là 12,13% và tương đối sát với trung bình tăng trưởng tín dụng năm 2018 và 2019 là trên 13%.

[Bức tranh ngành ngân hàng 2020-2021: Trong nguy có cơ]

Theo SSI, sở dĩ tín dụng có thể tăng trưởng phục hồi trở lại trong năm 2021 nhờ một số tín hiệu tích cực; trong đó phải kể đến tín hiệu phục hồi bắt đầu từ việc điều chế vắcxin COVID-19 thành công.

Thêm vào đó, các ngân hàng có thể tái khởi động tài chính tiêu dùng trong năm 2021. Trong năm 2020, tài chính tiêu dùng chiếm khoảng 1,6% tổng dư nợ cho vay, đây là thời điểm các công ty đầu ngành tập trung thu hồi nợ và thắt chặt các tiêu chí cho vay.

SSI kỳ vọng tiêu chuẩn cho vay đối với các khoản vay tiêu dùng có thể quay trở lại mức trước dịch COVID-19 vào nửa cuối năm 2021, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng chung của ngành.

Báo cáo chiến lược đầu tư 2021 của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ dần dần phục hồi, tương quan với xu hướng phục hồi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay. Nhờ vậy, các hoạt động thương mại, sản xuất, dịch vụ, trong đó có du lịch sẽ dần quay trở lại hoạt động bình thường, qua đó đã thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong quý 4/2020 và năm 2021.

VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt 13% và lãi suất huy động, cho vay sẽ giảm 20-50 điểm % trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát thấp. Với mức tăng trưởng này, tỷ lệ tín dụng trên GDP được dự báo sẽ tăng lên 124%, từ mức 110% của năm 2019.

Đặc biệt, mới đây khảo sát từ Vụ Dự báo thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng đều kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trở lại trong năm 2021 nhờ nhiều yếu tố như tăng trưởng kinh tế hồi phục, doanh nghiệp quay trở lại nhịp kinh doanh…

Các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục tập trung cho vay vào những lĩnh vực được đánh giá có tiềm năng phục hồi tăng trưởng mạnh như bán buôn, bán lẻ, xuất, nhập khẩu, phục vụ nhu cầu đời sống và xây dựng. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất và các chi phí khác trong sáu tháng đầu năm để hỗ trợ tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng.

Tập trung nâng cao chất lượng

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay năm 2020 là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng nhưng lại là kinh nghiệm cho Ngân hàng Nhà nước điều hành năm 2021. Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ngành ngân hàng cũng đã đổi mới một số chính sách so với năm 2020, đó là sửa đổi Thông tư 01 theo hướng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại.

“Chúng tôi vẫn tiếp tục theo đuổi quan điểm tạo điều kiện đảm bảo sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tập trung hỗ trợ cho dòng vốn tín dụng đầu tư vào những lĩnh vực khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ cho những lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nhiều của dịch cũng như khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ vừa qua. Ngoài ra, để sẵn sàng đối phó với những tình huống có thể phát sinh trong năm 2021, những chính sách tiền tệ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sẵn sàng với quan điểm là khẩn trương kịp thời ứng phó trong mọi lĩnh vực cũng như tăng cường khả năng dự trữ, dự phòng kể cả trong hạn mức tín dụng cũng như dự phòng nguồn lực để can thiệp thị trường khi cần thiết,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đồng hành cùng các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, một số ngân hàng đã thực hiện nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm khách hàng này và một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên. Thậm chí, không ít ngân hàng chuyển sang cho vay dựa trên quản lý dòng tiền thay vì yêu cầu tài sản thế chấp.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dù khó khăn do đại dịch COVID-19 kéo dài nhưng đến nay, tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc tăng nhanh hơn nhiều so với thời gian trước đó. Điều này cho thấy tốc độ phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế khá tốt.

Ông Hiếu dự báo ngành nông nghiệp sẽ luôn là bệ đỡ cũng như xương sống của cả nền kinh tế, ngành xuất khẩu hy vọng cũng tăng trưởng tốt trong năm nay, mặc dù các thị trường lớn của Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng vẫn có thể có sức xuất khẩu lớn. Đặc biệt, ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực có tiềm năng hồi phục, tăng trưởng mạnh khác như bán buôn bán lẻ, xăng dầu, phục vụ nhu cầu đời sống.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng cho biết trước mắt sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống; cho vay lĩnh vực nông, thủy sản…

Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Ðông (OCB) Nguyễn Ðình Tùng, năm 2021, ngân hàng vẫn theo chiến lược ngân hàng bán lẻ, tín dụng tập trung mạnh vào các phân khúc mục tiêu như doanh nghiệp nhỏ và vừa; sửa đổi một số sản phẩm như cho vay cầm cố bất động sản, cho vay kinh doanh hộ gia đình.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho hay trong năm nay tiếp tục kiên định với chiến lược bán lẻ và tập trung cho vay các sản phẩm đang là thế mạnh của ngân hàng như nông nghiệp nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao... Bởi đây là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, cho vay khá hiệu quả và đã góp phần giúp LienVietPostBank có một năm kinh doanh khá thành công.

Lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định nếu tình hình dịch bệnh ổn định và ngành sản xuất, kinh doanh cần nhiều vốn thì nguồn vốn tín dụng sẵn sàng mở rộng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện để cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, bảo đảm chất lượng và an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống. Măt khác, nguồn vốn tín dụng sẽ tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất, kinh doanh, các dự án có sức lan tỏa đồng thời kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục