Năm 2021 được cho là năm quan trọng bởi là năm đầu tiên của giai đoạn phát triển kinh tế 2021-2025. Mặc dù vậy, năm 2021 được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp, tác động tiêu cực có thể kéo dài.
Việt Nam, với độ mở nền kinh tế cao, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Để tìm hiểu về triển vọng kinh tế 2021 cũng như các giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đề ra, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương năm 2020 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Theo bà đâu là những nguyên nhân tạo nên thành công trên?
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: Năm 2020, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, nhưng xét trong bối cảnh chung của toàn cầu đang chịu tác động của dịch COVID-19 thì đây lại là thành tích “đáng nể.” Tôi cho rằng có 2 nguyên nhân cơ bản giúp Việt Nam đạt thành tích tăng trưởng trong năm qua là công tác chống dịch hiệu quả và vai trò điều hành của Chính phủ.
Trước hết về công tác phòng chống dịch hiệu quả. Ngay từ khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên ngày 23/1/2020, Việt Nam đã triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân.
Khi đợt dịch thứ hai bùng phát, Việt Nam đã có thêm kinh nghiệm thực hiện giãn cách xã hội và chỉ tiến hành cách ly, giãn cách xã hội ở phạm vi hẹp hơn, qua đó giảm thiểu tác động bất lợi đối với hoạt động sản xuất-kinh doanh. Nhờ đó, Việt Nam vẫn duy trì được không ít không gian kinh tế cho doanh nghiệp và người dân, ngay cả trong những thời điểm khó khăn của năm 2020.
Thứ hai đó là công tác chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt trên các lĩnh vực vốn có “độ ỳ” lớn trong những năm qua.
Đầu tiên, Chính phủ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng cách “khơi thông” trách nhiệm của người đứng đầu với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền, để họ mạnh dạn hơn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công có sẵn và cải thiện hệ thống thông tin, tư vấn chuyên gia để hỗ trợ cho quyết định đầu tư một cách chuyên nghiệp hơn.
[CEBR: Kinh tế Việt Nam xếp hạng 19 thế giới vào năm 2035]
Tiếp theo, Chính phủ đã hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp, để cộng đồng doanh nghiệp “trụ vững” qua những thời điểm khó khăn. Những vướng mắc về điều kiện tiếp cận hỗ trợ cũng được Chính phủ và các bộ, ngành lưu tâm, theo dõi để điều chỉnh, trên cơ sở tham vấn chặt chẽ cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ đã không ngừng tạo dựng thêm không gian mới cho hoạt động kinh tế. Chính phủ đã chỉ đạo hiệu quả việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trao đổi với các đối tác về cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh đại dịch để tạo cơ hội cho xuất khẩu của doanh nghiệp Việt. Các mô hình kinh tế mới cũng được nghiên cứu và cụ thể hóa thành chính sách, mà điển hình nhất là Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
- Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6%. Bà có khuyến nghị chính sách gì để đạt mục tiêu tăng trưởng trên?
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: Diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn nhiều phức tạp. Việt Nam, với độ mở nền kinh tế cao, sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Dù việc phát triển vắcxin COVID-19 có thêm chuyển biến, tiến trình phổ biến vắcxin này nhiều khả năng không hoàn thành trong năm 2021. Cùng với rủi ro để ngỏ về khả năng phát sinh những biến thể virus mới, chúng ta có thể chứng kiến xu hướng phục hồi không đều giữa các nền kinh tế chủ chốt trên thế giới và ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2021 như Quốc hội đề ra đòi hỏi quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị. Theo tôi, một số chính sách Chính phủ nên lưu tâm trong thời gian tới là: Theo dõi sát các diễn biến liên quan như đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc trên các lĩnh vực, chuyển biến công nghệ... để có những cân nhắc, cập nhật kịch bản điều hành trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin với cộng đồng doanh nghiệp để cùng chung tay vượt qua thách thức, cùng tiến tới phục hồi kinh tế đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư; khơi thông trách nhiệm hiệu quả hơn nữa để tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công trong năm 2021, làm hình mẫu cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Mặt khác, Chính phủ tăng cường hỗ trợ hợp lý cho cộng đồng doanh nghiệp để họ giữ được tinh thần hứng khởi đối với hoạt động kinh doanh; hoàn thiện những chính sách căn bản về hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối doanh nghiệp để thu hút FDI hiệu quả, tận dụng hiệu quả làn sóng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam.
Đặc biệt, thị trường trong nước cũng cần được chú trọng phát triển để tạo thêm cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp cùng với nhanh chóng phát triển mạnh các mô hình kinh tế mới (kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm...) để tạo thêm “sức nặng” cho thị trường trong nước, qua đó hướng doanh nghiệp nhiều hơn về “sân chơi Việt,” “khách hàng Việt.”
Ngoài ra, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cũng cần không ngừng tìm kiếm thêm cơ hội từ xuất khẩu, thông qua nâng cao năng lực khai thác các FTA, đặc biệt là các FTA tương đối mới như CPTPP và EVFTA đồng thời tiếp tục đa dạng hóa cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dự báo gì về các kịch bản tăng trưởng trong năm 2021?
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh: Theo chúng tôi, nếu chỉ tập trung vào các biện pháp phòng dịch và phục hồi kinh tế, có lẽ Việt Nam sẽ phải chờ đến hết tháng 6/2021 mới đánh giá được khả năng thực hiện các mục tiêu kinh tế, trong đó có mục tiêu tăng trưởng 6%.
Tuy nhiên, nếu song hành với các biện pháp phòng dịch và phục hồi kinh tế, Chính phủ thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh một cách mạnh mẽ hơn, nền kinh tế sẽ vẫn giữ được sức bật và cơ hội để thực hiện đầy đủ các mục tiêu phát triển kinh tế sẽ lớn hơn.
Cần lưu ý, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện cải cách trong những năm qua, kể cả ở những thời điểm bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước gặp khó khăn (đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung....). Đây sẽ là cơ sở để tin rằng động lực cho cải cách sẽ tiếp tục được duy trì, “làm mới” và đóng góp hiệu quả hơn vào kết quả kinh tế trong năm 2021./.
Xin trân trọng cảm ơn bà!