Chiều 16/12, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 của hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Tính đến hết tháng 11 vừa qua, lũy kế thu ngân sách Nhà nước trong cân đối đạt 1.260.900 tỷ đồng, bằng 83,4% so với dự toán năm 2020 được giao; trong đó, thu ngân sách Trung ương đạt 77,4% so với dự toán năm và thu ngân sách địa phương đạt 91,1% so với dự toán năm.
Lũy kế chi ngân sách Nhà nước 11 tháng đạt 1.369.600 tỷ đồng, bằng 78,4% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 71,4% dự toán và chi thường xuyên đạt 87,9% dự toán.
Cùng với việc nắm chắc diễn biến tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã chủ động xây dựng phương án điều hành ngân sách Nhà nước hằng quý và tổ chức điều hành ngân quỹ chặt chẽ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thu chi của ngân sách Nhà nước và các đơn vị có giao dịch với Kho bạc Nhà nước.
Đồng thời, sử dụng ngân sách Nhà nước để tạm ứng cho ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh; gắn kết quả lý ngân quỹ với quản lý ngân sách và quản lý nợ thông qua việc điều hành khối lượng huy động vốn theo tiến độ thu, giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2020, trên cơ sở kết quả thu từ nghiệp vụ quản lý ngân quỹ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước đã nộp vào ngân sách Trung ương 3.000 tỷ đồng.
[Kho bạc Nhà nước huy động 4.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ]
Về việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước, tính đến ngày 15/12, Kho bạc Nhà nước đã huy động đạt 99,9% kế hoạch giao đầu năm và ước đến 31/12 tới đạt 100% kế hoạch Bộ Tài chính giao, bao gồm cả kế hoạch giao bổ sung.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ bình quân là 13,81 năm, tăng 0,37 năm so với năm 2019. Kỳ hạn còn lại của danh mục trái phiếu Chính phủ là 8,33 năm. Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân là 2,88%/năm, giảm so với năm 2019 và thấp thứ ba trong khu vực Đông Nam Á.
Sang năm 2021 là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030.
Kho bạc Nhà nước xác định mục tiêu, phương châm hành động là: “Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030; tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phấn đấu 100% các thủ tục hành chính được cung cấp qua Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và Cổng dịch vụ công quốc gia; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng dịch của của hệ thống Kho bạc Nhà nước.”
Để đạt dược mục tiêu đề ra, Kho bạc Nhà nước tập trung thực hiện 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021. Theo đó, tập trung nguồn vốn để xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chính sách lớn và các văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ chuyên môn. Tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030, trình Bộ Tài chính các thông tư theo kế hoạch đề ra.
Kho bạc Nhà nước tổ chức điều hành quản lý quỹ ngân sách Nhà nước đảm bảo chặt chẽ, an toàn, hiệu quả; tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách Nhà nước; tổ chức thực hiện côn tác kiểm soát chi ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Cùng với đó, hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2021 do Bộ Tài chính giao. Thực hiện các nghiệp vụ tái cơ cấu lại nợ công theo Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị. Điều hành lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với thị trường, tiết kiệm chi phí cho vay ngân sách. Nâng cao hiệu quả điều hành, sử dụng ngân quỹ Nhà nước; triển khai thực hiện tốt quy trình quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý ngân quỹ Nhà nước; triển khai nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ sau khi Bộ ban hành thông tư hướng dẫn.
Theo Giám đốc Kho bạc Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, quy mô, đối tượng tham gia dịch vụ công trực tuyến tại Kho bạc Hà Nội rất lớn, lượng chứng từ phải xử lý rất nhiều, trung bình 6.500 chứng từ/ngày.
Thời gian tới, Kho bạc Hà Nội đề nghị Kho bạc Nhà nước áp dụng việc lưu trữ văn bản điện tử, hướng tới tiết kiệm chi phí vận hành; đồng thời nâng cấp hệ thống máy chủ, đáp ứng nhu cầu sao lưu dữ liệu, đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt, liên tục; hướng tới đẩy mạnh cải cách hành chính, cũng như hiện đại hóa công nghệ thông tin trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Về phía ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Kho bạc Nhà nước hỗ trợ Kho bạc Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng đề án thành lập Kho bạc thành phố Thủ Đức, để phù hợp với mô hình hoạt động chính quyền địa phương.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức./.