Với tương lai bất ổn và nguy cơ khủng hoảng trong mối quan hệ Liên minh châu ÂU (EU)-Anh lan sang cả Pháp, Italy và những nơi khác nữa, 2019 sẽ là một năm đầy khó khăn cho châu Âu.
Nếu các lực lượng dân túy chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019, bức tranh châu Âu có thể sẽ còn ảm đạm hơn nữa là nhận định của trang mạng project-syndicate.org.
Từ viễn cảnh của châu Âu, năm 2019 hứa hẹn sẽ lại là một năm nữa đầy khó khăn, thách thức lớn có thể dễ dàng biến thành những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng; trừ khi có sự đảo ngược của việc Vương quốc Anh rút khỏi EU ngày 29/3/2019.
Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính đang nhen nhóm ở Italy sẽ bùng phát, đe dọa sự ổn định của khu vực châu Âu. Và Pháp có thể vẫn sẽ mắc kẹt trong các cuộc biểu tình của những người theo chủ nghĩa dân túy, từ đó sẽ lấy đi vai trò lãnh đạo của nước này trong việc theo đuổi các cải cách của EU.
Hơn nữa, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5/2019 có thể sẽ giúp những người theo chủ nghĩa dân tộc chiếm đa số hoặc chiếm gần đa số trong nghị viện, khi đó những thành viên tiếp theo của EU, lãnh đạo Hội đồng châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu cũng như Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU sẽ được xác định. Rõ ràng, chiến thắng giành cho những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ là một thảm họa đối với EU, bởi nó sẽ làm trật hướng các cải cách cần thiết và gây thêm chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.
Cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ của châu Âu vẫn được dự báo sẽ gây ra sự rối loạn trên trường quốc tế. Căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc có thể lan sang cả EU. Nói một cách rộng hơn, kinh tế toàn cầu đang suy yếu, trong khi tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong những tháng tới đây.
Trong bối cảnh những thách thức có thể đoán trước này, sự sống còn của kế hoạch châu Âu cũng đang lâm nguy. Nhiều người lo ngại không biết Brexit (Anh rút khỏi EU) sẽ diễn ra trong trật tự hay hỗn loạn. Nếu hỗn loạn sẽ có nhiều người thua cuộc và quan hệ Anh-EU sẽ bị “đầu độc” trong một thời gian dài. Không ai ở bờ bên kia của biển Manche lại mong muốn kết quả như vậy. Cuộc sống sẽ tiếp tục sau “cuộc ly hôn” và nhìn chung việc duy trì một mối quan hệ lành mạnh là lợi ích của cả hai bên.
Ngay cả sau khi diễn ra Brexit, giới lãnh đạo EU ở Brussels cũng không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng Italy, nhưng họ có thể và nên đề nghị giúp đỡ. Italy cần sự tăng trưởng mà sẽ đòi hỏi hiện đại hóa toàn diện nền kinh tế. Trong khi đó, EU sẽ phải chứng tỏ sự linh hoạt, trong khi ủng hộ các quy tắc để củng cố sự ổn định của đồng tiền chung. Điều này cho thấy rằng các cuộc đàm phán phức tạp và lâu dài còn nằm ở phía trước.
Tại Pháp, phe “áo vàng” đã hợp nhất những yêu cầu của họ về kinh tế sau khi mới đầu họ đổ ra đường để phản đối thuế nhiên liệu. Phong trào này cũng bao gồm những thành phần bất mãn về sự mai một của lối sống truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập châu Âu.
Tại hầu hết các nước phương Tây, sự bất mãn này thường tập trung ở các cử tri trung lưu và tầng lớp lao động truyền thống, họ cho rằng thỏa thuận xã hội thời hậu chiến là vô giá trị. Làm việc chăm chỉ không còn đảm bảo cho an ninh kinh tế và sự phát triển của xã hội.
Các quan chức phương Tây sẽ không giành được sự tin tưởng của dân chúng nữa cho đến khi họ có thể giải quyết được vấn đề này mà trong đó giá trị dân chủ và các thể chế cốt lõi không phải là vai trò chủ đạo. Vấn đề còn phức tạp hơn khi cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi từ Tây sang Đông, khủng hoảng khí hậu gia tăng, các công nghệ mới về kỹ thuật số đang cách mạng hóa cuộc sống và công việc của người dân, làn sóng tị nạn và di cư đang khiến cho những người theo chủ nghĩa dân túy thêm tức giận.
Nhưng nếu các lực lượng dân túy có kế hoạch giải quyết những thách thức này, họ sẽ giữ bí mật. Thực tế, một châu Âu đoàn kết duy nhất sẽ phụ thuộc vào kết quả bầu cử năm tới. Nếu chủ nghĩa dân túy thắng, châu Âu thua. Điều đó cũng không giúp ích được gì cho thực tế rằng hầu hết những thay đổi lớn đối với trật tự quốc tế trong vài thập kỷ qua đã khiến châu Âu phải trả giá. Sự trỗi dậy của Trung Quốc và cuộc cách mạng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo dường như đang gạt châu Âu sang một bên. Cho đến nay, “lục địa già” vẫn đang “ngủ quên trên chiến thắng". Nếu không sớm tỉnh giấc, châu Âu sẽ mất đi cơ hội kiểm soát các lực lượng làm thay đổi.
Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu, và điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm sau. Các cuộc tranh luận truyền thống ở châu Âu có thể không còn là về sức mạnh của liên minh Đại Tây Dương hay tiến trình bền vững tiến tới “sự hợp nhất chặt chẽ hơn bao giờ hết." Nước Mỹ của Trump đã nói lời “tạm biệt” và mô hình xã hội cũ của châu Âu đã đổ vỡ mà chưa có sự thay thế.
Các cuộc khủng hoảng đe dọa châu Âu sẽ ngày càng hiện hữu. Do đó, 2019 sẽ là một năm mang tính chất quyết định đối với số phận của châu Âu chứ không phải là sự khởi đầu mới của khối này. Nhưng về dài hạn, một châu Âu tái thiết sẽ là lựa chọn duy nhất. Nghịch lý đó sẽ xác định thời kỳ quá độ mà không thể đi tắt đón đầu./.