Ngày 27/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019).
9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, dự kiến Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 được dự thảo theo hướng tiếp tục đổi mới, cô đọng, ngắn gọn hơn Nghị quyết năm 2018.
Không đưa vào dự thảo Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp trùng với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương hoặc trùng lặp với các Nghị quyết khác của Chính phủ.
Ưu tiên những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, có tác động lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cần triển khai thực hiện ngay trong năm 2019 và tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để chuẩn bị hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải gắn với chỉ tiêu phấn đấu cụ thể để theo dõi đánh giá. Các chỉ tiêu đề xuất đưa vào Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2019 cần bảo đảm thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (trường hợp chỉ tiêu đề xuất không thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia phải bảo đảm có thể tính toán dễ dàng thông qua hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia); bảo đảm khả năng thu thập thông tin, theo dõi liên tục, đánh giá định kỳ; không đề xuất các chỉ tiêu chuyên ngành, phức tạp, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu; đồng thời bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ, phản ánh trực tiếp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết và bảo đảm tính khả thi, dễ hiểu, có khả năng so sánh với dữ liệu quá khứ, nhất là với các năm: 2016, 2017, 2018.
Dự kiến Nghị quyết năm 2019 gồm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, nhóm đầu tiên là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược và đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội; phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Nghị quyết không giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành địa phương như năm nay mà sẽ trao quyền chủ động cho các bộ, ngành địa phương lựa chọn đưa vào chương trình hành động/văn bản điều hành của bộ, ngành địa phương để thực hiện.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đồng tình với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết đưa ra, đồng thời nhấn mạnh đến các yếu tố đánh giá tác động của các hiệp định thương mại, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung để có các giải pháp phù hợp, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động Nghị quyết số 36 của Trung ương về phát triển bền vững, xây dựng quy hoạch không gian biển để các bộ, địa phương thống nhất thực hiện.
Năm 2019, Chính phủ cần xem xét, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai để loại bỏ các bất cập của các hình thức đầu tư BT, BOT, góp phần tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai.
Đồng thời có các giải pháp rõ ràng cho thúc đẩy đầu tư công, nhất là các giải pháp đề cao vai trò, tính chủ động của người đứng đầu Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.
“Nguồn lực không cần nhiều nhưng có bao nhiêu phải sử dụng hiệu quả, tránh việc bàn nhiều rồi không làm gì được. Đấy là đột phá. Đã sang tới tháng 12 rồi mà vẫn còn địa phương xin ý kiến để giải ngân là không được,” Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, năm 2019, Bộ máy của ngành có thay đổi căn bản với mục tiêu “Bộ phải tinh, tỉnh phải mạnh, xã phải nắm được cơ sở.”
Nhiệm vụ, giải pháp của toàn ngành năm 2019 cũng phải bám vào tinh thần mục tiêu chung chung đó.
Góp ý xây dựng Nghị quyết, Thứ trưởng này cho rằng, năm 2019 là năm quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của của Đảng. Hiện có tình trạng cán bộ thận trọng, “chưa tin tưởng khi ra quyết định.”
Kỷ cương và liêm chính là vấn đề đặt ra nhưng cũng cần quan tâm đến yếu tố đột phá, sáng tạo, trong đó, yếu tố con người, cán bộ là quyết định.
Do vậy, trong Nghị quyết cần đề cập sâu tới nhân tố con người trong thực thi nhiệm vụ và việc sắp xếp tổ chức bộ máy thời gian tới, đây là giải pháp cấp bách trước mắt và cũng là chiến lược lâu dài, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn nói.
Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, Nghị quyết năm 2019 cần có nhiệm vụ thường xuyên và có nhiệm vụ trọng tâm.
Đề cập đến tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vị đại diện này nhìn nhận năm 2019 cần có đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng, từ chỗ thực hiện 300 chuyến bay/ngày, đến nay, đã lên đến 800 chuyến bay/ngày, máy bay thường xuyên chờ trên không 15-20 phút.
Hiện Bộ không tổ chức các hoạt động bay quân sự ở sân bay Tân Sơn Nhất mà chuyển sang các sân bay Cần Thơ, Phan Rang… Năm 2019, Bộ cũng chuyển hoạt động bay quân sự từ sân bay Nội Bài lên Yên Bái.
Năm 2019, Bộ Quốc phòng tích cực tham mưu với Đảng, Nhà nước, tập trung hoạch định chính sách về quốc phòng, giữ vững thế trận quốc phòng-an ninh, thực hiện đột phá nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nâng cao khả năng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kiện toàn lực lượng, sắp xếp doanh nghiệp quân đội, phát triển công nghiệp quốc phòng…
[Nền nông nghiệp vững mạnh - yếu tố đảm bảo phát triển bền vững]
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ đề nghị, Chính phủ cần nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả tinh giản bộ máy và sắp xếp, đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả Quy hoạch báo chí, xây dựng các tòa báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, không chỉ giúp phát triển ngành mà còn tác động lớn tới sự phát triển của xã hội.
Tăng tốc để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các ý kiến phát biểu; cho rằng nếu năm 2018 là năm bản lề, năm 2020 là về đích trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 thì năm 2019 chính là năm “tăng tốc” để thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của cả 5 năm.
Ngoài phương châm hành động của năm là “kỷ cương, liêm chính, hành động” cần chú ý đến vấn đề “tăng tốc” và “đổi mới,” tránh tình trạng quá thận trọng, chần chừ, an toàn là chính, bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn sợ trách nhiệm thực thi công vụ.
Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết năm 2019 cần kế thừa những bố cục, nội dung, cách làm của năm 2018, bảo đảm tính khoa học, tỉ mỉ, có cả vấn đề định tính và định lượng, bớt hô hào chung chung, với các phụ lục về nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng.
Nội dung Nghị quyết bám sát và cụ thể hóa Kết luận số 37-KL/TW “Về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019”; các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính-ngân sách, phân bổ ngân sách trung ương năm 2019…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chọn lọc các nhiệm vụ, đề án lớn để làm trong năm 2019 và các đề án nhiệm vụ khác chưa xong gắn với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, 6, 7…
Phó Thủ tướng yêu cầu, Nghị quyết phải đặt ra các chỉ tiêu kinh tế- xã hội phấn đấu ở mức “cận cao” so với chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ; lạm phát dưới 4%; các chỉ tiêu về nợ nước ngoài, nợ quốc gia phải đưa vào kiểm soát rất chặt trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước nên hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu trong nước để huy động vốn, giải quyết áp lực nợ quốc gia, nợ nước ngoài.
“Bám sát, duy trì động lực tăng trưởng và củng cố nền tảng vĩ mô, gia tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư lường hết rủi ro trong các lĩnh vực, chắt lọc đưa vào Nghị quyết,” Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc đến việc Nghị quyết phải quy định trách nhiệm cụ thể của bộ, ngành, địa phương, người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, quy định thời hạn thực hiện nhiệm vụ, xử lý cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ và bố trí không đúng cán bộ triển khai nhiệm vụ.
“Người đứng đầu phải thay những cá nhân không làm được việc… Đích thân Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phải góp ý chỉ đạo xây dựng Nghị quyết và kế hoạch hành động của địa phương trong thực thi Nghị quyết,” Phó Thủ tướng nói./.