Năm 2019: Ẩn chứa những bước ngoặt lớn của nước Nga trong tương lai

Cục diện chính trị Nga ổn định, nền kinh tế phục hồi, ngoại giao thuận lợi có những bước đột phá mới, là nhận định của chuyên gia Hình Quảng Trình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biên giới Trung Quốc.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Saint Petersburg của Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2019 là một năm dường như không có gì nổi bật nhưng lại ẩn chứa bước ngoặt lớn cho nước Nga.

Cục diện chính trị Nga ổn định, nền kinh tế phục hồi, ngoại giao thuận lợi, quan hệ Trung-Nga đã có những bước đột phá mới, đó là nhận định của chuyên gia Hình Quảng Trình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biên giới Trung Quốc, Viện khoa học xã hội Trung Quốc.

Theo ông Hình Quảng Trình, trong năm 2019, nền chính trị Nga vẫn xuất hiện một số tình hình mới, dù các cuộc biểu tình chống chính phủ thỉnh thoảng vẫn xuất hiện và mang sắc thái chính trị mạnh mẽ, nhưng điều này không tạo thành mối đe dọa thực sự đối với chính quyền của Tổng thống Vladimia Putin.

Chính phủ Nga coi những hành động này là kết quả của sự can thiệp từ các nước phương Tây như Mỹ, đồng thời cảnh báo Mỹ không được can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Nga, không nên ảo tưởng sẽ xuất hiện của một cuộc “cách mạng màu.”

Về kinh tế, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm nay tăng 1,2%, cao hơn con số dự báo 1% hồi tháng 10 vừa qua.

Tình hình kinh tế Nga năm 2019 tương đối tốt vì những lý do sau: thứ nhất, giá dầu quốc tế đã tăng trở lại, điều này giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế; thứ hai, các biện pháp trừng phạt của phương Tây có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nga, nhưng mọi việc đều có tính hai mặt.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Nga đành phải thực hiện chính sách thay thế nhập khẩu và điều này đã kích thích năng lực sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong nước Nga.

Vấn đề kinh tế lâu nay luôn là yếu tố hạn chế sự trỗi dậy của Nga. Không duy trì được tốc độ phát triển kinh tế nhanh, Nga sẽ không thể phục hồi thực sự.

An ninh, quân sự và ngoại giao Nga cuối cùng sẽ mất đi sự hỗ trợ chiến lược là yếu tố vật chất. Nền ngoại giao Nga có nhiều điểm sáng trong năm qua.

[WB dự báo tăng trưởng kinh tế Nga 2019 sẽ cao hơn dự kiến] 

Sau khi Tổng thống Putin bày tỏ thái độ giận giữ đối với phương Tây tại Hội nghị An ninh Munich năm 2007, Nga đã sẵn sàng đối đầu với phương Tây, không công nhận trật tự quốc tế dưới sự dẫn dắt của Mỹ.

Quan hệ Nga-Mỹ càng tồi tệ trong năm 2019. Theo phán đoán chính trị của giới tinh hoa ngoại giao Nga, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, dù ai lên làm tổng thống hay opong Trump tiếp tục nắm quyền, Nga cũng không hy vọng nhiều vào việc cải thiện quan hệ với Mỹ.

Quan hệ Nga-Liên minh châu Âu có phần được xoa dịu trong năm 2019, đặc biệt là Nga hết sức tập trung vào mối quan hệ với Đức và Pháp, điều này khiến cho quan hệ Nga-EU có phần tiến triển.

Năm 2019, Nga tiếp tục duy trì ưu thế của mình ở Syria, có sự tương tác ngoại giao cùng có lợi với Thổ Nhĩ Kỳ.

Không gian Liên Xô trước đây có liên quan đến lợi ích chiến lược cốt lõi của Nga.

Trước hàng loạt sự thay đổi ở khu vực Trung Á, Nga đã tăng cường điều chỉnh và phối hợp ở khu vực này, hiệu quả về tổng thể tương đối tốt.

Tuy nhiên, năm 2019, quan hệ Nga-Belarus đã xuất hiện một số vấn đề mới, đã xuất hiện những tiếng nói gay gắt trong tầng lớp cấp cao của hai nước.

Năm 2019, Nga đã tăng đầu tư vào châu Á, có thể nhận thấy điều này từ việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đều được mời tham dự Diễn đàn kinh tế phương Đông của Nga.

Năm 2019, một biểu hiện quan trọng khác của việc Nga chuyển hướng sang châu Á là Hội nghị thường niên Câu lạc bộ Valdai chỉ tập trung thảo luận các vấn đề châu Á.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: THX/TTXVN)

Không giống các Hội nghị thường niên Valdai trước đây chỉ mời các nhân vật không đương chức, lần này Tổng thống Putin đã mời tổng thống, Azerbaijan, Philippines và Quốc vương Jordan, điều này đã phát đi các tín hiệu ngoại giao quan trọng.

Ông Putin cho rằng châu Á đang phát triển mạnh mẽ, nếu không có sự tham dự của khu vực này, bất kỳ vấn đề nào trên thế giới cũng không được giải quyết.

Tổng thống Putin cũng cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã tạo thành mối đe dọa lớn đối với sự ổn định chiến lược toàn cầu, đồng thời ông cảnh cáo NATO tuyệt đối không nên để xuất hiện một cơ chế quân sự phiên bản châu Á.

Quan hệ Trung-Nga có bước đột phá lớn. Tháng Sáu năm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Nga, quan hệ Trung-Nga được nâng cấp thành "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới."

Việc Nga chấp nhận cách diễn ngôn "thời đại mới" của Trung Quốc cho thấy lòng tin chiến lược giữa hai nước đã đạt đến một tầm cao mới.

Trong chuyến thăm này, nguyên thủ hai nước đã ký Tuyên bố chung về tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu đương đại, tuyên bố này rất quan trọng - việc Mỹ rút khỏi INF đã đẩy thế giới đến một tình huống rất nguy hiểm, và việc Trung Quốc và Nga ký kết tuyên bố chung chính là một lời thách thức đối với Mỹ. Điều này cho thấy quan hệ Trung-Nga có xu hướng được tăng cường hơn nữa.

Cuối cùng, nhìn vào năm 2019 để đánh giá xu hướng tương lai của Nga. Tổng thống Putin có thể áp dụng một loạt biện pháp chuẩn bị cho sự thay đổi chính trị lớn hơn của Nga trong tương lai.

Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của Nga hiện nay là vực dậy nền kinh tế, đây cũng là một thách thức cấp bách mà Tổng thống Putin phải đối mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục