Năm 2017: Vốn huy động qua kênh chứng khoán đạt hơn 245.000 tỷ đồng

Vốn huy động trên thị trường đạt 245.000 tỷ đồng, trong đó đấu thầu trái phiếu Chính phủ 194.300 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp 47.900 tỷ đồng, đấu giá cổ phần hóa 2.700 tỷ đồng.
Giá trị danh mục của khối ngoại tính đến tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức tăng trưởng cao nhất và trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp trong khu vực châu Á, năm 2017. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2018, ngày 22/1.


[Lợi nhuận của các công ty dầu khí hàng đầu tăng trong những năm tới]

Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, vốn huy động trên thị trường đạt xấp xỉ 245.000 tỷ đồng, trong đó đấu thầu trái phiếu Chính phủ hơn 194.300 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp gần 47.900 tỷ đồng và đấu giá cổ phần hóa trên hai Sở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2.700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp cũng thu về được 125.400 tỷ đồng. Dòng vốn đầu tư nước góp phần đáng kể trong xu hướng tăng trưởng chung của thị trường, giá trị danh mục của khối ngoại tính đến tháng 12/2017 đạt 32,9 tỷ USD, tăng 90% so với cuối năm 2016.

Với đà tăng lần lượt 48% và 46% của VN-Index và HNX-Index, mức cao nhất 10 năm trở lại đây, quy mô vốn hóa thị trường đã đạt đến 3,5 triệu tỷ đồng (tăng 80,5% so với năm 2016), tương ứng 70,2% GDP năm 2017. Điểm đáng nói, sang đến tháng Một này, quy mô vốn hóa thị trường tiếp tục có sự tăng trưởng ngoạn mục (tăng 10%) và nâng quy mô vốn hóa lên 3,8 triệu tỷ đồng, tương đương 77% GDP.

Nhằm đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, bà Phương cho hay, Ủy ban sẽ xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Trong đó, nhiều giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được thực hiện, như triển khai các quỹ hưu trí, phát triển các định chế đầu tư chuyên nghiệp, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh đào tạo nhà đầu tư trong nước…

Thay mặt các thành viên thị trường, ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán đã đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến chính sách phát triển thị trường. Ngoài ra, ông đặc biệt kiến nghị, trong bối cảnh chưa hợp nhất được hai Sở, các cuộc hội nghị thị trường hàng năm các Sở này nên phối hợp tổ chức chung thay vì tách bạch như hiện nay, nhằm giảm bớt chi phí và thời gian hội họp cho các công ty thành viên.

“Việc họp thành viên thị trường cũng nên giám sát nghiêm ngặt và yêu cầu các lãnh đạo công ty tham dự trong đó gắn với vai trò của cả Hiệp hội. Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán cần xử lý kịp thời các kiến nghị của thị trường mà Hiệp hội đã tổng hợp và trình lên,” ông Kỳ nói.

Thị trường trái phiếu có một năm tăng trưởng cao và đóng tỷ trọng lớn trong tổng vốn huy động của toàn thị trường, quy mô thị trường trái phiếu tăng từ mức 23% GDP (năm 2016) lên 30% GDP (năm 2017).

Tuy nhiên, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam nhấn mạnh, thị trường trái phiếu còn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu 38% GDP vào năm 2020 như lộ trình đã đặt ra.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Quỳnh cho rằng: “Sự phát triển còn sơ khai và manh mún, thiếu hệ thống thông tin công khai, minh bạch. Các quy định pháp luật vẫn bất cập, thiếu đồng bộ giữa các cơ quan quản lý”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục