Năm 2015 phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ Trái đất trong lịch sử

Theo NASA và NOAA, năm 2015, đặc biệt là 10 tháng đầu năm, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu, trên các bề mặt đại dương cao hơn 0,9 độ C so với trung bình của thế kỷ 20.

Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Mỹ (NOAA) ngày 20/1, trong năm 2015, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao kỷ lục, do vậy để khí hậu Trái Đất bớt nóng thì cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là việc làm rất cần thiết.

Những số liệu của NASA và NOAA cho thấy trong năm 2015, đặc biệt là trong 10 tháng đầu năm, nhiệt độ trung bình ở đất liền trên toàn cầu và trên các bề mặt đại dương cao hơn 0,9 độ C so với trung bình của thế kỷ 20, vượt qua nhiệt độ của năm trước đó (0,16 độ C).

Đây được coi là năm nóng nhất kể từ năm 1880 và là lần thứ 4 kỷ lục nhiệt độ toàn cầu được thiết lập trong một thế kỷ qua. Nhiệt độ nóng chưa từng thấy trong năm 2015 diễn ra tại phần lớn Trung Mỹ và phía Bắc của khu vực Nam Mỹ.

Ngoài ra, nó cũng được ghi nhận tại các khu vực phía Bắc, phía Nam và phía Đông châu Âu, cũng như ở khu vực Tây Á và phần lớn khu vực Trung Đông Siberia hay ở phía Đông và phía Nam châu Phi.

Theo NASA và NOAA, sự gia tăng nhiệt độ nói trên một phần là do hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan el NiNo gây ra.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ này chủ yếu là do các hoạt động của con người gây ra, đặc biệt là việc tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Giám đốc Trung tâm thông tin quốc gia về môi trường của NOAA, ông Thomas Karl dự báo sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất giống như trong năm 2015 sẽ còn tiếp tục kéo dài trong 4, 5 thập kỷ tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục