Năm 2013 thành công của Nga và ông Putin

Năm 2013 thành công của Liên bang Nga và ông Putin

2013 là một năm ổn định và thành công của nước Nga với nhiều dấu ấn quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị G-20. (Nguồn: Vietnam+)

2013 là một năm ổn định và thành công của nước Nga khi ngày càng khẳng định được vị thế dẫn đầu của mình trên trường quốc tế, thể hiện mình là một cường quốc có trách nhiệm. 

Trong năm 2013, cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như các nhà ngoại giao nước này đã để lại những dấu ấn quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xung đột ở nhiều điểm nóng trên thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng tại Syria.

Vietnam+ trân trọng giới thiệu bài viết Dấu ấn nước Nga 2013 của ông Nguyễn Đăng Phát, nguyên cán bộ TTXVN, chuyên gia hàng đầu về nước Nga, hiện là Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương.


Nhiều chỉ số tăng trưởng dương

Tại cuộc họp báo tổng kết năm chiều 19/12, Tổng thống Nga V. Putin đánh giá 2013 là “một năm lao động, một năm làm việc thực chất.” Theo số liệu chính thức chưa đầy đủ, mặc dù thấp hơn so với dự kiến ban đầu nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga tăng trưởng dương, khoảng 1,4-1,5%; tỷ lệ lạm phát 6,1%, giảm so với năm 2012 (6,6%).

Trong khi sản xuất công nghiệp gặp khó khăn (chỉ tăng 0,1%) thì nông nghiệp là điểm sáng, đạt mức tăng trưởng 6,8%, xuất khẩu ngũ cốc đạt 23 triệu tấn. Thu nhập thực tế của người dân tăng 3,6%; trong 11 tháng đầu năm đưa vào sử dụng 52 triệu m2 nhà ở, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại đạt con số rất đáng kể, khoảng 150 tỷ USD. Ngành kinh tế then chốt của Liên bang Nga, khai thác dầu mỏ, đạt sản lượng 523,2 triệu tấn, tăng 1,2% so với năm 2012.

Một kết quả đặc biệt quan trọng đối với Liên bang Nga là lần đầu tiên sau 22 năm đã có sự gia tăng dân số tự nhiên ổn định - nhờ hàng loạt chính sách khuyến khích sinh đẻ thực hiện trong nhiều năm qua. Số trẻ em sinh trong năm 2013 nhiều hơn năm 2012 khoảng 26.000 em.

Trong Thông điệp liên bang ngày 12/12, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nhà nước sẽ tiếp tục có “những nỗ lực đặc biệt” để bảo đảm những chuyển biến tích cực về dân số “không thể đảo ngược được,” đặc biệt trong bối cảnh số gia đình trẻ ở Nga giai đoạn này giảm so với những năm trước vì đây là thời điểm mà thế hệ sinh ra trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước - thời kỳ tỷ lệ dân số Nga giảm mạnh nhất - bắt đầu xây dựng gia đình.

Trong điều kiện kinh tế thế giới tiếp tục không ổn định và bị thiên tai nặng nề (lũ lụt chưa từng thấy ở vùng Viễn Đông), những kết quả như trên là tương đối khả quan. Bên cạnh đó, sau thời kỳ không khí chính trị sôi động, thậm chí có lúc căng thẳng, liên quan các chiến dịch tranh cử và những diễn biến sau bầu cử, năm 2013, Liên bang Nga giữ được sự ổn định chính trị-xã hội; mặc dù nguy cơ khủng bố từ các nhóm ly khai, cực đoan vẫn đáng kể nhưng nhìn chung những biện pháp phòng ngừa, tìm diệt các “chiến binh” nguy hiểm đã đem lại kết quả, an ninh trật tự trên toàn liên bang được bảo đảm.

Các chương trình cải cách luật pháp nhằm tăng cường kỷ cương, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền và chất lượng quản trị sản xuất, kinh doanh tiếp tục được thúc đẩy. Đáng chú ý, Chính phủ Nga triển khai những biện pháp làm lành mạnh hệ thống ngân hàng-tài chính dựa trên kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng ngân hàng thời kỳ 2008-2009, Ngân hàng Trung ương đã thu hồi giấy phép hoạt động của 29 tổ chức tín dụng yếu kém trong năm 2013.

Năm 2013 cũng là năm Liên bang Nga tiếp tục thực hiện các chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh quốc phòng sẵn sàng đối phó những mối đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia từ bên ngoài.

Thực tế kinh tế Nga vẫn có nhiều “điểm nghẽn.” Cơ cấu kinh tế còn bất cập, chủ yếu dựa vào khai thác, xuất khẩu năng lượng, nguyên liệu. Đặc biệt, năng suất lao động của Nga vẫn thấp mặc dù trong 15 năm nay có xu hướng tăng lên.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Phát triển kinh tế A. Uliucaép, về chỉ số này, khoảng cách tụt hậu của Nga so với các nền kinh tế phát triển rất lớn - tính trung bình là 2 lần so với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) và 2,5 lần so với Mỹ.

Trong 11 tháng đầu năm, tổng nguồn vốn đầu tư vào nền kinh tế Nga giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, chưa đạt 18% GDP, trong khi mục tiêu đề ra là đến năm 2015 phải tăng tỷ lệ này lên mức 25%. Lĩnh vực xây dựng nhà ở tuy đạt được kết quả như nêu ở trên nhưng so với chỉ tiêu thì vẫn còn thấp và giá nhà vẫn đắt, tính trung bình trong cả nước là 47,4 nghìn rúp/m2 (xấp xỉ 1500 USD/m2).

Tổng thống V. Putin đánh giá vấn đề bảo đảm nhà ở và các dịch vụ dân sinh là “vấn đề gay gắt nhất, lớn nhất và dai dẳng nhất” của nước Nga. Điều đáng nói là trong chiến lược phát triển của Liên bang Nga, chính sách xã hội chiếm những chương mục lớn trong ngân sách nhằm chăm lo người có công, cựu chiến binh, giáo viên, các bà mẹ... Nhưng, theo các chuyên gia, với tốc độ tăng GDP dưới 5% thì các chương trình xã hội sẽ gặp không ít khó khăn. Nếu xét đến thực tế tốc độ tăng GDP đã giảm dần kể từ năm 2001 đến nay và có khả năng “chững lại” thì đây là một thách thức không nhỏ đối với Liên bang Nga.

Khẳng định vị thế đối ngoại

Ngoại giao Nga đã có những thành công ngoạn mục và Tổng thống V. Putin đã có dấu ấn, khẳng định vị thế một nước Nga ngày càng ổn định và lớn mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà tạp chí Forbes của Mỹ hồi tháng 11 bình chọn ông Putin vào vị trí số 1 trong danh sách 10 ngân vật “có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.

Thời điểm đó, ấn tượng mạnh mẽ nhất mà nhà lãnh đạo Nga để lại là những nỗ lực của ông, của ngoại giao Nga nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria, vào lúc chính quyền Washinton đã chuẩn bị tổng lực phương án tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này.

Về sau, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh trong Thông điệp liên bang rằng Liên bang Nga đã “hành động kiên quyết, có tính toán và cân nhắc, không để cho lợi ích và an ninh của mình cũng như sự ổn định toàn cầu bị đe dọa.”

Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng thống Nga cũng nêu bật sự phối hợp hành động giữa Nga với Mỹ, Trung Quốc và nhiều đối tác khác để tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại hòa bình, dựa vào cơ chế hiện hành của Liên hợp quốc... Vấn đề hạt nhân của Iran đã có tiến triển tích cực sau cuộc bầu cử Tổng thống ở nước này cũng có phần đóng góp rất quan trọng của Nga.

“Chúng ta không tìm kiếm danh hiệu siêu cường theo cách người ta hiểu như là một thứ tham vọng bá quyền thế giới hay khu vực. Chúng ta sẽ nỗ lực trở thành những người đi đầu bảo vệ công pháp quốc tế, bảo đảm sự tôn trọng chủ quyền quốc gia... Đó là điều hoàn toàn khách quan và thường tình đối với một quốc gia như Nga với bề dày lịch sử và nền văn hóa vĩ đại, với những kinh nghiệm lâu đời về cuộc sống hài hòa, sát cánh bên nhau của nhiều dân tộc trong khuôn khổ một Nhà nước thống nhất,” Tổng thống V. Putin nhấn mạnh trong Thông điệp liên bang ngày 12/12/2013.

Một thành công quan trọng khác của Nga là thực hiện tốt vai trò Chủ tịch G-20. Hội nghị thượng đỉnh nhóm nước này tại Saint Petersburg hoàn thành chương trình nghị sự gồm những vấn đề kinh tế lớn cũng như những hồ sơ chính trị phức tạp. Mặc dù dư luận đôi lúc có cảm giác quan hệ Nga-Mỹ rất căng thẳng nhưng cầu đối thoại giữa các bên vẫn được duy trì thường xuyên và nhờ có sự phối hợp hành động giữa các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn, các tổ chức quốc tế, nhóm nước liên kết nên đã tránh được những diễn biến xấu nhất, những bước leo thăng căng thẳng nguy hiểm.

Liên bang Nga đã chuyển tải thành công tới dư luận toàn thế giới bức thông điệp về một cường quốc có ảnh hưởng, có trách nhiệm và có quyền tham gia giải quyết một cách hiệu quả tất cả các vấn đề toàn cầu. Cả trong những chuyện “không lớn” mà lại rắc rối, như vụ cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden bị kẹt lại ở Moskva thì Nga cũng hành động dựa trên luật pháp và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình: giữa Nga và Mỹ không có hiệp định tương trợ tư pháp, nhiều yêu cầu của Nga về việc dẫn độ công dân Nga từ Mỹ về nước trước đây đều bị phía Mỹ khước từ thì Moskva cũng không thể đơn phương trao Snowden cho Mỹ bất chấp những áp lực không có căn cứ... Nước Nga đã luôn luôn thể hiện rõ ràng, nhất quán và kiên quyết bảo vệ lập trường của mình trong mọi vấn đề.

Mang theo những thành công của năm 2013 bước vào năm 2014, Liên bang Nga sẽ làm chủ nhà Đại hội Olympic mùa Đông lần thứ 22, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển G-8 và tiếp tục có những đóng góp xứng tầm vào các công việc khu vực và quốc tế./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục