Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2013, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm của các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt hơn 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong số vốn trên, có 14,3 tỷ USD của 1.275 dự án cấp mới, tăng 70,5% và 7,3 tỷ USD vốn tăng thêm của 472 lượt dự án, tăng 30,8%.
Về vốn thực hiện, các dự án FDI đã giải ngân 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, tuy kết quả không quá nổi bật nhưng vẫn đánh dấu sự quyết tâm “bám trụ” lâu dài của giới đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và càng đáng ghi nhận trong bối cảnh không ít chủ đầu tư chưa hết khó khăn nhưng vẫn dồn lực vào thị trường Việt Nam.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 605 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 16,636 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,031 tỷ USD, chiếm 9,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 20 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 951 triệu USD.
Nhật Bản vẫn dẫn đầu, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,747 tỷ USD, chiếm 26,6% tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,376 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 4,293 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong 2013, không kể dầu khí ngoài khơi, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 52 tỉnh thành phố. Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI lớn nhất, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,4 tỷ USD, chiếm 15,7% vốn đăng ký.
Với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa đứng thứ hai với 2,921 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư. Hải Phòng đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 2,612 tỷ USD, chiếm 12,1% vốn đăng ký.
Theo đó, một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2013 là dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa của nhà đầu tư Nhật Bản điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD.
Dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than BOT Vĩnh Tân 1 của nhà đầu tư Trung Quốc, với tổng vốn đầu tư 2,018 tỷ USD để thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than tại Vĩnh Tân và dự án Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử.
Kim ngạch xuất khẩu từ khối doanh nghiệp này đã đóng góp rất lớn vào kết quả xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2013, với kim ngạch ước đạt 88,5 tỷ USD (tính cả dầu thô), tăng 22,4%, chiếm 66,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô là 81,2 tỷ USD, tăng 26,8% so với năm trước. Khu vực này xuất siêu gần 14 tỷ USD trong năm nay./.