Việt Nam-Na Uy có nhiều tiềm năng trao đổi thương mại hàng hóa thông qua nền tảng thương mại điện tử.
Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Tăng cường xuất nhập khẩu vào thị trường Na Uy thông qua nền tảng thương mại điện tử" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Công ty Trading Foe tổ chức ngày 28/6.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết Na Uy là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại thị trường Bắc Âu. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 363 triệu USD.
Đặc biệt, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam-Na Uy không cạnh tranh mà mang tính bổ sung qua lại cho nhau. Na Uy cũng là thị trường có sức mua cao là thành viên của Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), vì vậy tiềm năng phát triển thương mại giữa hai quốc gia là rất lớn.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Na Uy đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh tại Việt Nam, trong các lĩnh vực như thủy sản, nông sản, dệt may.
Theo ông Võ Tân Thành, Việt Nam và các nước EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do, và đó sẽ là cơ sở hợp tác thương mại Việt Nam-Na Uy được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
[Hà Nội tìm cơ hội hợp tác với Na Uy trong phát triển, quản lý đô thị]
Na Uy có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế biển, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường - những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu.
Về việc thúc đẩy thương mại quốc tế thông qua thương mại điện tử, ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết hiện nay, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do; trong đó có nội dung về thương mại điện tử. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thương mại điện tử quốc tế còn rất hạn chế so với các quốc gia khác.
Tính tới hiện tại, Việt Nam mới có 11% doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử; 35% doanh nghiệp thiết lập quan hệ đối tác với nước ngoài thông qua hình thức online. Trong tổng số 700.000 doanh nghiệp đối tác của Amazon trên toàn cầu, chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp từ Việt Nam.
Theo ông Lê Hải Bình, các doanh nghiệp thương mại Việt Nam vẫn đang ưu tiên kinh doanh theo phương thức truyền thống, giao dịch trực tiếp với đối tác nên hạn chế phát triển thị trường mới, tốn nhiều chi phí cho hoạt động quảng bá, hội chợ.
Trong khi đó, xu thế của các nước đang phát triển là ưu tiên chọn xuất khẩu thông qua thương mại điện tử như các trang bán hàng trực tuyến, để tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả. Đây cũng là phương thức mở rộng thị trường phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, để việc phát triển thương mại điện tử quốc tế một cách bền vững, các doanh nghiệp phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cũng như đạo đức kinh doanh.
Thêm vào đó, doanh nghiệp cần phải thiết lập quan hệ đối tác với các nhà nhập khẩu, phân phối và các hệ thống bán lẻ quy mô lớn ở nước ngoài để phát triển mạng lưới và khai thác tối ta tiềm năng của thị trường./.