Na Uy đi trước 10 năm so với các nước EU về chống rác thải nhựa

Bí quyết giúp Na Uy có bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là nhờ áp dụng rộng rãi hệ thống "đặt cọc," theo đó, người dân phải trả thêm một khoản tiền khi mua đồ uống đóng chai nhựa.
Na Uy đi trước 10 năm so với các nước EU về chống rác thải nhựa ảnh 1Xử lý các chai nhựa để tái sử dụng. (Nguồn: AFP)

Với tỷ lệ tái chế lên tới 97%, Na Uy hiện là nước đi đầu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc chiến chống rác thải nhựa, vượt trên cả Pháp và Anh - hai nước hiện có tỷ lệ tái chế rác thải nhựa là 60%.

Điều này đồng nghĩa với việc Na Uy đang đi trước 10 năm so với các nước EU trong việc thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế rác thải nhựa lên tới 90% vào năm 2029.

Bí quyết giúp Na Uy có được bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là nhờ áp dụng đồng bộ và rộng rãi một hệ thống "đặt cọc," theo đó các khách hàng sẽ phải trả thêm một chút tiền gọi là khoản đặt cọc khi mua đồ uống đóng chai nhựa và sẽ được hoàn lại khoản tiền này khi trả vỏ chai.

[Italy tặng vé tàu điện ngầm miễn phí cho người dân tái chế chai nhựa]

Khái niệm trả lại vỏ chai tại Na Uy giờ đây là trở nên phổ biến đến mức có riêng một động từ mới mô tả hoạt động này bằng tiếng Na Uy - đó là "Pante."

Trong năm 2019, tại Na Uy ghi nhận hơn 1,1 tỷ chai nhựa và vỏ lon được trả lại tại các điểm tập kết tại siêu thị, trạm xăng và các cửa hàng nhỏ.

Theo quy trình, sau khi được thu gom, vỏ chai và vỏ lon sẽ được xe tải chuyển đến trung tâm xử lý rác thải Infitium ở Fetsund - thành phố cách thủ đô Oslo của Na Uy khoảng 30km về phía Đông Bắc.

Tại đây, chai nhựa đựng nước, nước hoa qua hay soda sẽ được phân loại, nén và ép lại thành từng khối vuông Rubik nhiều màu sắc và chờ được xử lý tái sử dụng.

Hiện thành phần nguyên liệu sản xuất 1 chai nhựa chứa 10% nguyên liệu tái chế và Na Uy hy vọng có thể tăng tỷ lệ này bằng chính sách tăng thuế nhằm khuyến khích các nhà sản xuất sử dụng nhựa tái chế thay cho nhựa mới hiện có giá thành rẻ hơn.

Na Uy hiện được xem là hình mẫu lý tưởng áp dụng thành công hệ thống "đặt cọc."

Litva cũng đã bắt đầu triển khai hệ thống này và trong năm 2019, tỷ lệ hoàn trả rác thải nhựa ở nước này đã tăng từ 34% vào thời đầu năm khi chưa áp dụng hệ thống này, lên 92% vào cuối năm qua.

Tổ chức môi trường Zero Waste Europe đánh giá hệ thống này là "giải pháp duy nhất" để EU có thể hoàn thành mục tiêu về giảm rác thải nhựa. Tuy nhiên, tổ chức này mong muốn các nước sẽ mở rộng thêm nhiều giải pháp khác nhằm thu gom các chai thủy tinh để tái sử dụng và mở rộng hệ thống "đặt cọc" với các loại bao bì nhựa đóng gói.

Theo Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF), mỗi phút trên thế giới có khoảng 15 tấn rác thải nhựa đổ ra biển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục